Những bức ảnh mới nhất về tên lửa chống hạm siêu âm XASM-3 do Nhật Bản chế tạo cho thấy nó không còn mang màu sơn thử nghiệm, dấu hiệu đã sẵn sàng đi vào trực chiến.
XASM-3 là loại tên lửa chống hạm siêu âm thế hệ 3 của Nhật Bản - sản phẩm hợp tác giữa Viện Nghiên cứu và Phát triển kỹ thuật (Technical Research and Development Institute) của Chính phủ Nhật và Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries - MHI), nó được đánh giá sở hữu các tính năng vượt xa mọi đối thủ cạnh tranh.
Theo dự kiến, XASM-3 sẽ thay thế hai "người tiền nhiệm" ASM-1 và ASM-2 sau khi hoàn thành các bài kiểm tra. Trong giai đoạn trước mắt, XASM-3 sẽ trang bị cho Lực lượng Phòng vệ trên không, cụ thể ở đây là dành cho tiêm kích Mitsubishi F-2, phiên bản phóng từ tàu mặt nước với tầng khởi tốc được bổ sung cũng sẽ sớm ra mắt.
Tên lửa chống hạm siêu âm XASM-3 trong một lần thử nghiệm cùng máy bay tiêm kích Mitsubishi F-2
Thông số kỹ thuật cơ bản của XASM-3 rất ấn tượng, nó có chiều dài 5,25 m; trọng lượng phóng 900 kg; sự kết hợp giữa động cơ tên lửa nhiên liệu rắn với động cơ phản lực dòng thẳng cho tốc độ tối đa Mach 3+ (một vài nguồn tin còn khẳng định vận tốc của XASM-3 lên tới Mach 5); tầm bắn 200 km; khối lượng đầu đạn chưa được nhà sản xuất công bố.
Tên lửa sử dụng hệ dẫn đường quán tính giai đoạn đầu; cập nhật dữ liệu từ vệ tinh hoặc phương tiện mang phóng khi bước vào giai đoạn hai; bật đầu dò radar chủ động (có cả kênh dẫn thụ động tích hợp), hạ thấp độ cao khi bước vào giai đoạn công kích. Theo ước tính, đối phương có không quá 15 giây để phản ứng tính từ thời điểm bắt đầu phát hiện ra XASM-3.
Kết quả đáng khích lệ trong thời gian gần đây cho thấy XASM-3 đã sẵn sàng bước vào giai đoạn trực chiến
Đầu năm 2015, Không quân Nhật Bản đã công bố những hình ảnh thử nghiệm đầu tiên của XASM-3 với tiêm kích F-2. Sang năm 2016, nó đã thực hiện vụ phóng thành công vào chiếc khu trục hạm mang trực thăng JDS Shirane đã nghỉ hưu. Kết quả thu được là rất đáng khích lệ, dẫn tới khả năng MHI sẽ sớm sản xuất hàng loạt XASM-3 dưới tên gọi chính thức ASM-3.
Diễn biến trên đã khiến Trung Quốc cảm thấy đặc biệt lo ngại, nhờ vận tốc cực nhanh, tầm bắn xa, áp dụng công nghệ tàng hình tiên tiến, ASM-3 tỏ ra vượt quá năng lực đánh chặn của các hệ thống tên lửa hạm tàu như HHQ-16 trên khinh hạm Type 054A, hay thậm chí là HHQ-9 trang bị cho khu trục hạm phòng không Type 052C/D.
Ngoài nền tảng Mitsubishi F-2, ASM-3 còn triển khai được từ máy bay tuần tra chống ngầm Kawasaki P-1, thậm chí tiêm kích F-35 cũng có thể mang nếu chấp nhận đánh đổi khả năng tàng hình. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ đồng ý xuất khẩu sang các quốc gia đồng minh thân thiết trong tương lai.
Bởi vậy, chẳng có gì quá ngạc nhiên khi giới chức quân sự Trung Quốc cảm thấy như đang ngồi trên đống lửa sau khi chứng kiến những bước tiến của dự án XASM-3. Vũ khí này của Nhật Bản hoàn toàn đủ năng lực thay đổi cuộc chơi, khiến ưu thế về hải quân của Bắc Kinh không còn vững chắc như hiện tại.