(Tinmoi.vn) Một lãnh đạo biểu tình chống chính phủ Thái Lan đã bị bắn chết hôm Chủ nhật (26/1) khi những người biểu tình ngăn chặn hoạt động bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử vào đầu tháng 2 tới ở Bangkok.
Người biểu tình phong tỏa các địa điểm bầu cử, nhằm thực hiện kế hoạch phá hoại cuộc bầu cử 2/2 tới. |
Suthin Thararin, một lãnh đạo biểu tình của Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân (PDRC) đã bị bắn chết trước đền Sri Eiam tại thủ đô Thái Lan, theo cảnh sát. Ngoài ra, 9 người khác cũng bị thương trong vụ bắn súng, theo các nhân viên y tế.
Phát ngôn viên biểu tình Akanat Promphan cho hay: “Ông Suthin Tharathin đã bị bắn chết khi đang phát biểu từ sau một chiếc xe tải. Chính phủ đã không hề đảm bảo an toàn và an ninh cho bất kỳ ai vào ngày hôm nay, bất chấp lệnh khẩn cấp”, ông cho biết, ám chỉ đến sắc lệnh của chính phủ Thái Lan cho phép cảnh sát có thêm quyền kiểm soát các cuộc biểu tình.
Ông Suthin là người thứ 10 thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kéo dài gần 3 tháng qua ở Thái Lan, cuộc biểu tình đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư cũng lo lắng cho nền kinh tế nước này. Ngoài ra, hàng trăm người khác bị thương.
Cái chết của ông Thararin đến sau khi những người biểu tình phong tỏa các địa điểm bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 2/2 nhằm ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu vì lo ngại bà Yingluck lại giành phần thắng.
Đội quân biểu tình yêu cầu Thủ tướng được bầu dân chủ Yingluck Shinawatra phải từ chức. Họ muốn thay thế chính quyền của bà bằng một “ủy ban nhân dân” để tiến hành những thay đổi chính trị và bầu cử.
Sau một loạt các cuộc xung đột bạo động, các quan chức Thái Lan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, trao thêm quyền lực cho lực lượng an ninh đất nước.
Trong khi đó, trên 45/50 trạm cảnh sát đã bị đóng cửa do các chướng ngại vật mà những người biểu tình từ đảng PDRC dựng nên, theo phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Surapong Tovijakchaikul cho biết.
Kể từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006, Thái Lan liên tục trải qua các cuộc biểu tình trên đường phố. Cuộc biểu tình đẫm máu nhất diễn ra vào năm 2010, khi hàng chục người biểu tình “áo đỏ” ủng hộ ông Thaksin bị giết hại trong cuộc truy quét của quân đội.
W.2 (Theo CNN/Dân trí)