Các lực lượng đóng góp vào việc giải phóng Mosul đều muốn được chia phần. Do đó, thời kỳ hậu Mosul sẽ là cuộc tranh giành quyền lực, ảnh hưởng giữa các phe phái, sắc tộc, tôn giáo.
Iraq trước những thách thức mới sau giải phóng
Ngày 10/7/2017, tại bộ chỉ huy chiến dịch chống khủng bố tại Mosul, Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi tuyên bố chính thức chiến dịch quân sự giải phóng Mosul - được phát động từ 17/10/2016 - đã kết thúc thắng lợi, thành phố Mosul được hoàn toàn giải phóng.
Liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu cũng tuyên bố các lực lượng Iraq đã kiểm soát hoàn toàn thành phố. Đây là thất bại lớn nhất của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS kể từ khi chúng tuyên bố thành lập cách đây hơn 3 năm.
Hàng ngàn người bị giết và bị thương, gần 1 triệu người tức 1/2 dân số Mosul phải bỏ nhà ra đi. Khi làm đại sứ tại Iraq, tôi đã nhiều lần đến thăm thành phố này. Mosul nằm trên 2 bờ sông Tigris thơ mộng, đẹp như tranh vẽ, nay bị tàn phá nặng nề.
Các cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện..... thậm chí các nhà thờ, các đi tích lịch sử cũng bị phá hủy. Mosul đã được giải phóng, nhưng nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lai của cuộc chiến chống IS và công cuộc tái thiết thành phố.
Ý nghĩa của chiến thắng giải phóng Mosul
Mosul là thành phố có vị trí quan trọng và lớn thứ 2 của Iraq sau Thủ đô Baghdad. Tháng 6/2014, IS đã chiếm được thành phố này và tại đây thủ lĩnh Abu Bakr đã tuyên bố thành lập một Vương triều Hồi giáo Khalifat với Mosul là Thủ đô. Mosul trở thành thành trì lớn nhất, là cơ quan đầu não tập trung tất cả các bộ máy quân sự, hành chính, dân sự của IS.
Vì vậy, việc giải phóng Mosul có ý nghĩa hết sức to lớn. Thắng lợi này đánh dấu sự sụp đổ thành trì chiến lược cuối cùng của IS ở Iraq. Đây cũng là đòn giáng vào tinh thần và ý chí của IS, góp phần đắc lực vào việc thắt chặt vòng vây IS tại Raqqa, thành trì cuối cùng của chúng tại Syria.
Việc giải phóng Mosul sau các cuộc chiến đấu hết sức ác liệt kéo dài gần 9 tháng đã khẳng định khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Iraq nhằm giành lại các vùng lãnh thổ do IS chiếm đóng.
Chiến thắng ở Mosul có ý nghĩa lớn trong cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: Reuters
Đây là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn cho các lực lượng vũ trang Iraq tổ chức lại lực lượng, để tiến hành các cuộc tấn công giải phóng các khu vực khác còn lại hiện vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của IS.
Đây cũng là thắng lợi của sự phối hợp hành động giữa Iraq và Liên minh quốc tế chống khủng bố.
Giành lại được thành phố Mosul, việc xuất khẩu dầu lậu qua khu vực này bị cắt đứt làm mất đi một trong những nguồn thu tài chính lớn nhất của IS.
Những thách thức của chính quyền Iraq thời kỳ hậu Mosul
Tham gia chiến dịch giải phóng Mosul có nhiều lực lượng khác nhau. Ngoài sự yểm trợ của liên quân quốc tế, các lực lượng tham gia trực tiếp có quân đội, các lực lượng an ninh Iraq, lực lượng dân quân Peshmerga của người Kurd, lực lượng dân quân Hashd Sha'abi của người Shia thân Iran, các lực lượng Thiên chúa giáo và Yazidi....
Sau giải phóng Mosul, các lực lượng này đều muốn được chia phần trong việc tiếp quản thành phố. Bởi vậy, thời kỳ hậu Mosul sẽ là cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa các phe phái, các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo.
Mosul là thủ phủ của tỉnh Nineva của người Kurd. Các lực lượng Peshmerga đã tham gia tích cực vào chiến dịch giải phóng Mosul. Hiện nay người Kurd đang muốn tách ra thành lập một quốc gia riêng ở vùng Kurdistan. Kế hoạch này được Israel ủng hộ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại tìm cách ngăn cản. Như vậy, sắp tới chắc chắn sẽ có xung khắc giữa người Kurd và chính phủ trung ương Baghdad.
Các lực lượng Hashd Sha'abi cũng là một trong những lực lượng nòng cốt, có nhiều hy sinh và đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch giải phóng Mosul. Như vậy, sau Mosul sẽ là sự tranh giành ảnh hưởng giữa người Hồi giáo Sunni và Shia. Ngoài ra còn có người theo đạo Thiên chúa, người Yazidi, người Arnenia.... cũng muốn có chỗ đứng trong chính quyền.
Chính phủ của ông Haider Al-Abadi sắp tới sẽ phải đối phó với những nhiệm vụ và thách thức hết sức nặng nề.
Bên cạnh cuộc chiến chính trị giữa các nhóm sắc tộc, tôn giáo, vấn đề được đặt lên hàng đầu là công cuộc tái thiết thành phố bị tàn phá, giải quyết cấp bách các vấn đề nhân đạo trước mắt cho gần một triệu người trước đây tránh chiến tranh phải bỏ nhà cửa ra đi nay trở về. Và điều quan trọng nhất là giữ vững đoàn kết dân tộc, duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tái thiết một Mosul điêu tàn chưa phải là nhiệm vụ khó nhất. Việc khôi phục hòa bình và ổn định và xử lý các xung đột lợi ích khác nhau sau chiến thắng mới là điều khó khăn. Ảnh: Reuters
Giải phóng Mosul mới chỉ là thắng lợi về quân sự. Việc khôi phục hoà bình và ổn định tại Iraq còn là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
IS mới chỉ bị đánh bại về quân sự, nhưng về tư tưởng của chúng và những điều kiện để tạo ra IS vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, những người từng làm việc trong chế độ cũ bị phân biệt đối xử, một bộ phận lớn thanh niên vẫn cảm thấy bị cưỡng bức về tôn giáo, chính trị, kinh tế và bị đặt ra bên lề xã hội.... sẽ là những nguyên nhân bùng nổ tiềm tàng.
Lực lượng IS bị đánh bại ở Mosul đang rút về các vùng biên giới giáp với Syria, chúng vẫn kiểm soát một vùng sa mạc rộng lớn dọc theo biên giới phía Tây và ở Iraq vẫn còn nhiều tổ chức khủng bố khác ngoài IS.
Và một điều không thể không nhắc tới là một số nước khu vực vẫn ủng hộ IS. Vì vậy, việc tiêu diệt hoàn toàn IS sẽ là cuộc chiến đầy cam go và kéo dài.
Chiến thuật mới của IS và cuộc chiến chống khủng bố sau thất thủ ở Mosul
Liên minh quốc tế chống khủng bố cho rằng thắng lợi Mosul không có nghĩa là sự đe dọa của IS đối với thế giới đã hết.
Sau thất bại ở Mosul, IS chắc chắn sẽ tìm cách thay đổi chiến thuật. Chúng sẽ chuyển hoạt động sang các vùng lãnh thổ khác tại Iraq và Syria, đồng thời tăng cường các cuộc đánh bom liều chết ở các thành phố của Iraq, đặc biệt là Thủ đô Baghdad.
IS cũng sẽ mở rộng các hoạt động của chúng sang các nước khác ở Bắc Phi, châu Âu, châu Mỹ.
Đông Nam Á hiện đang trở thành một trong những mục tiêu chính của chúng. Tuần trước, nhóm khủng bố Abu Sayaf tại Philippines - nhóm năm ngoái đã tuyên thệ trung thành với IS - đã giết hại 2 thuyền viên Việt Nam chứng tỏ chúng hết sức dã man và không loại trừ bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào.
Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố, chống IS, cần thiết phải thống nhất các cố gắng chung của cộng đồng quốc tế, đoàn kết các lực lượng trong một mặt trận chống khủng bố. Trước mắt cần tăng cường các biện pháp an ninh nghiêm ngặt, phát hiện và tiêu diệt tận gốc những âm mưu của chúng.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.