Theo số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Indonesia công bố ngày 31/12, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa sóng thần là 437 người.
Ngày 31/12, Chính phủ Indonesia công bố số liệu thống kê mới nhất về số người thiệt mạng trong vụ sóng thần vừa qua. Theo đó, 437 người đã tử vong, ong khi số người bị thương đã tăng gấp 2 lần, lên hơn 14.000 người.
Bên cạnh đó, thảm họa này đã khiến hơn 33.700 người mất nhà cửa. Hiện 16 người vẫn còn mất tích.
Ngày 31/12, Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters thông báo nước này đóng góp 1 triệu USD trực tiếp vào quỹ của Cơ quan xử lý khẩn cấp thuộc Hội Chữ thập Đỏ quốc tế để giúp Indonesia khắc phục hậu quả nặng nề của thảm họa sóng thần mới đây.
Ảnh: AP. |
Ông Peters đã bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ của New Zealand đối với nước láng giềng Indonesia - quốc gia liên tiếp hứng chịu một loạt thảm họa thiên tai trong 6 tháng qua mà nghiêm trọng nhất là trận sóng thần ngày 22/12.
Ngoài ra, ông Peters cũng cho biết, Cơ quan xử lý khẩn cấp nói trên có nhiệm vụ hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Indonesia phân phát hàng cứu trợ, đồng thời trợ giúp các nạn nhân thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất sau thảm họa thiên tai, hỗ trợ người dân nước này chuẩn bị phương án ứng phó với các thảm họa tương tự trong tương lai.
Đây được coi là đợt sóng thần có số người tử vong cao thứ hai tại Indonesia trong năm 2018. Thảm họa kép động đất - sóng thần vào tháng 9 tại đảo Sulawesi khiến ít nhất 832 người thiệt mạng, đa số nạn nhân sống tại thành phố Palu. Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm trên "vành đai lửa" của Thái Bình Dương, Indonesia từng hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, núi lửa và sóng thần trong lịch sử.
Người dân trở về khu vực bị tàn phá nặng nề do thảm họa sóng thần ở Banten, Indonesia ngày 25/12/2018. Ảnh:AP |
Giới chức Indonesia cho rằng hiện tượng thủy triều dâng bất thường vì trăng tròn cộng với lở đất dưới biển do núi lửa Anak Krakatoa phun trào đã gây ra đợt sóng thần ở eo biển Sunda. Anak Krakatoa là một núi lửa nhỏ hình thành cách đây gần một thế kỷ, sau đợt phun trào kinh hoàng của núi lửa "mẹ" Krakatoa vào năm 1883.
Liên quan đến vụ sóng thần này, giới chức Indonesia ban đầu không phát cảnh báo sóng thần khi nhận thông tin về vụ việc đêm 22/12. Thay vào đó, họ chỉ khẳng định đó là hiện tượng triều cường và đề nghị người dân không hoảng loạn.
Trả lời trên AFP, đại diện cơ quan phòng chống thiên tai đã thừa nhận thông báo bị nhầm lẫn vì cơ quan địa chất không phát hiện động đất dẫn đến việc xác định sớm nguy cơ sóng thần gặp nhiều khó khăn.
Tổng thống Joko Widodo ngày 24/12 đã đến thăm các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Trả lời họp báo, ông cho biết đã chỉ đạo Bộ Xã hội Indonesia chi tiền hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong vì sóng thần trong thời gian sớm nhất.
ĐỒng thời, Tổng thống Widodo cũng tuyên bố sẽ khắc phục tình trạng thiếu các phương tiện cảnh báo kịp thời về sóng thần. Ông hứa hẹn sẽ cho sửa chửa hoặc thay mới toàn bộ thiết bị cảnh báo sóng thần hiện nay.
Hà Trang (tổng hợp)