Trung Quốc cần phải phát triển một máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới, có khả năng tấn công những mục tiêu xa hơn ở Thái Bình Dương. Liệu ngành công nghiệp nước này có làm được điều đó?
[mecloud]lwBRtEDRkQ[/mecloud]
Đây là tin tức dẫn lời các quan chức quân đội Trung Quốc trong một cuộc họp báo, được đăng tải trên tờ China Daily của nước này.
Máy bay ném bom chiến lược mới phải có khả năng tấn công các mục tiêu xa như "chuỗi đảo thứ hai" - một khu vực kéo dài từ quẩn đảo Kurril ở phía bắc, xuyên qua Nhật Bản, Bonins, Marianas,Carolines và Indonesia ở phía nam.
Định nghĩa về một máy bay ném bom chiến lược tầm xa của PLA phải có tầm hoạt động tối thiểu 8.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu và có khả năng mang tải trọng hơn 10 tấn đạn dược không đối đất.
Định nghĩa này tương ứng với những thông tin chi tiết ít ỏi về máy bay ném bom tàng hình cận âm sắp trình làng của Trung Quốc - H-20 (hay còn gọi là H-X). Một số nhà phân tích lưu ý máy bay này có thể được đưa vào phục vụ trong năm 2025. Theo blog Hàng không Quân sự Trung Quốc, những thiết kế của máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới đã được Viện thiết kế máy bay thứ 603 phát triển từ những năm 1990. Viện này là một đối tác của Công ty Công nghiệp máy bay Tây An.
Máy bay ném bom mới sẽ có một thiết kế cánh bay tương tự như B-2 của Mỹ và được quân đội Trung Quốc gọi là "dự án chiến lược". Blog trên cũng lưu ý rằng các bộ phận riêng biệt của chiếc máy bay đang được sản xuất.
"H-20 được cho là có thể tránh được hệ thống phòng không hiện đại và xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương", blog Hàng không Quân sự Trung Quốc nhấn mạnh. Một số nhà phân tích lập luận rằng nhiệm vụ chính của chiếc máy bay ném bom mới là tấn công nhóm tàu sân bay Mỹ.Máy bay ném bom cũng có thẻ trở thành một phần trong bộ 3 hạt nhân giống như ở Mỹ.
PLAAF (Không quân PLA) hiện đang khai thác khoảng 15 chiếc máy bay ném bom có khả năng hạt nhân H-K6. Đây là phiên bản máy bay do Trung Quốc cải biến từ chiếc Tupolev Tu-16 Badger của Nga. Theo truyền thông Trung Quốc, chiếc máy bay này có thể "vươn tới Okinawa, Guam, thậm chí là Hawaii từ Trung Quốc đại lục", tùy thuộc vào lượng vũ khí mà nó mang theo. Tuy nhiên, H-6K chỉ được xem như một giải pháp tạm thời.
Sách trắng Quốc phòng hồi tháng 5/2015 của Trung Quốc nhấn mạnh: "PLAAF sẽ thúc đẩy khả năng cảnh báo sớm chiến lược, không kích, phòng không và phòng thủ tên lửa, các biện pháp đối phó tin tức, các hoạt động trên không, kế hoạch chiến lược và hỗ trợ toàn diện của mình".
China Daily dẫn lời một tạp chí quốc phòng của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng một máy bay ném bom tầm trung sẽ không tương xứng với môi trường chiến lược của Trung Quốc:
"Một máy bay ném bom chiến lược tầm trung không thể tổ chức lại những thiếu sót cơ bản của lực lượng khong quân PLA trong các cuộc không kích và răn đe chiến lược. Vì vậy, lực lượng không quân cần một máy bay ném bom chiến lược liên lục địa, có thể thâm nhập hệ thống phòng không của đối phương".
Tuy nhiên, tổng biên tập của tạp chí quốc phòng này lại hoài nghi về khả năng Trung Quốc sản xuất một máy bay ném bom chiến lược tầm xa hiện đại trong một khoảng thời gian ngắn. Ông cho rằng Trung Quốc cần "một cấu trúc hiện đại và cấu hình khí động học cũng như một động cơ phản lực có hiệu suất cao".
"Tất cả chúng đều là những vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc. Tôi không nghĩ những khó khăn này có thể được giải quyết trong một thời gian ngắn", người này nói thêm.
Bảo Linh (Theo The Diplomat)