Washington Post mới đây đưa tin, tòa án liên bang Mỹ hôm 22/8 đã nhận được một đơn kiện, hé lộ một nam doanh nhân Trung Quốc đã đứng ra "một tay che trời" giúp Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí.
Theo đơn kiện trên, Trì Ngọc Bằng là doanh nhân Trung Quốc đã giúp đỡ Triều Tiên dễ dàng qua mặt các biện pháp cấm vận của Liên Hợp Quốc để tiếp tế cho chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên trong thời gian qua.
Trì được biết đến là một nam nhân viên kế toán 48 tuổi. Trì Ngọc Bằng chính là người đứng sau một mạng lưới của các công ty nhập khẩu.
Đơn kiện nêu rõ, Trì hiện đang sở hữu đến 90% cổ phần của Công ty Vật tư Thép Đan Đông Zhicheng (Dandong Zhicheng Metallic Material). Ngoài ra, nhân viên kế toán 48 tuổi này còn đang chi phối vốn ở 4 doanh nghiệp khác. Đây là năm thực thể được cho là đang có mối quan hệ giao dịch thường xuyên với Triều Tiên.
Công ty Đan Đông Zhicheng được thành lập vào năm 2005, và bà Trương Băng-vợ ông Trì hiện là người quản lý trực tiếp của công ty.
Trì Ngọc Bằng. |
Trì không được mọi người biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, Trì có tên trong danh sách cựu sinh viên của trường Đại học Bột Hải. Trong tiểu sử trên trang web của cựu sinh viên trường, Trì trở thành một kế toán tại Đan Đông ngay khi tốt nghiệp vào năm 1990. Năm 2009, ông Chi đã được Chính quyền thành phố Đan Đông trao bằng khen vì “vai trò tích cực trong thương mại nước ngoài”.
Giao dịch 234 triệu USD/năm
Hai người đào tẩu khỏi Triều Tiên tiết lộ thông tin với Bộ Tư pháp Mỹ. Theo đó, mạng lưới của Trì được che giấu rất tốt nhiều giao dịch tài trợ các chương trình quân sự và vũ khí của Triều Tiên.
Thời gian qua, mạng lưới này đã tài trợ cho Bình Nhưỡng khoảng 700 triệu USD từ việc nhập khẩu than từ nước này. Chỉ trong năm 2016, công ty Đan Đông Zhicheng đã nhập khẩu lượng than khổng lồ từ Triều Tiên, với tổng kim ngạch lên đến 234 triệu USD/năm.
Theo một chuyên gia phân tích cao cấp, David Thompson "năm ngoái, số lượng nhập khẩu than của mạng lưới Trì Ngọc Bằng chiếm đến 10% tổng lượng nhập khẩu than từ Triều Tiebe vào Trung Quốc".
Chính việc nhập khẩu than lớn của mạng lưới Trì Ngọc Bằng khiến Triều Tiên có một nguồn thu ngoại tệ rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả mà mạng lưới này mang đến cho chính phủ Kim Jong-un là họ mang lại quyền tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế cho Bình Nhưỡng.
Chính việc này khiến Triều Tiên dễ dàng lách các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc sau những vụ thử tên lửa của mình.
Những chiêu lách trừng phạt
Đơn kiện đã chỉ ra hai lỗ hổng của lệnh trừng phạt khiến mạng lưới Trì Ngọc Bằng dễ dàng lách lệnh trừng phạt. Theo đó, biện pháp đầu tiên khiến lệnh trừng phạt bị lợi dụng chính là thay vì giao dịch bằng tiền (phương thức đòi hỏi sử dụng ngân hàng và có nguy cơ bị phát hiện), mạng lưới này sẽ nhận than, và cung cấp lại cho Trì những hàng hóa được yêu cầu, bao gồm cả thiết bị, vũ khí.
Phương pháp thứ 2 là sử dụng các công ty tuyến đầu. Những công ty này sẽ cho phép mạng lưới của Trì, dù liên tục bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt, sử dụng các ngân hàng Mỹ trong làm ăn với Triều Tiên.
Dựa một phần vào thông tin của 3 nguồn tin bí mật và 2 người Triều Tiên đào tẩu không được tiết lộ danh tính, đơn kiện của các luật sư liên bang Mỹ đệ trình hôm 22/8 đã yêu cầu tịch thu 4 triệu USD từ các công ty của Chi Yupeng và trên 100 triệu USD từ các khoản trừng phạt khác.
Một trong hai người đào tẩu mà các luật sư Mỹ dựa vào để khai thác thông tin là người có hiểu biết tường tận về “Văn phòng 39”, một tổ chức lưu giữ tài chính cho lãnh đạo Kim Jong Un.