Nhiều người tin rằng thi hài của lãnh tụ Liên Xô Vladimir Lenin đã luôn ở trong lăng ở Quảng trưởng Đỏ kể từ khi ông qua đời năm 1924. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy, trong vòng gần 4 năm khi quân Đức tấn công Liên Xô, người ta đã phải cho di tản thi hài của Lenin.
Tờ RBTH của Nga đưa tin cho hay trong cuộc chiến tranh Đức - Liên Xô (1941 -1945) mà người Nga gọi là Cuộc chiến Vệ quốc Vĩ đại, thi hài nhà lãnh đạo Vladimir Lenin đã được bí mật chuyển từ Moscow tới vùng Siberia xa xôi hoang vắng.
Cùng với thi hài ông, trái tim và một phần bộ não nhà lãnh đạo và thậm chí là cả một viên đạn từng được sử dụng để ám sát Lenin bất thành đều được chuyển đi.
Thi hài Lenin được chuyển khỏi Moscow để tránh bom đạn của quân Đức |
Trước những đòn tấn công như vũ bão của quân Đức, Liên Xô đã choáng váng ngay ở những lần đầu của cuộc chiến.
Những đạo quân thủy, bộ cùng không quân Đức đã nghiền nát Mặt trận phía tây của quân Liên Xô, chiếm đóng hầu hết vùng Baltic, tây Ukraine và Belarus.
Mặc dù thủ đô Moscow chưa bị đe dọa ngay lập tức, ban lãnh đạo Liên Xô đã bắt đầu nghĩ tới việc chuyển khỏi thủ đô những gì quan trọng nhất, cần phải giữ gìn và một trong những thứ ấy là thi hài của vị lãnh tụ Cách mạng Nga.
Người ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải di chuyển thi hài của nhà lãnh tụ. Ngày 3/7 /1941, Ủy ban An ninh nhà nước Liên Xô (NKGB, sau này đổi tên thành KGB) ra lệnh ngay lập tức chuyển thi hài Lenin bằng tàu hỏa đặc biệt tới thành phố nhỏ Tyumen, vùng Siberia
Nhà lãnh đạo Stalin đã quyết định địa điểm này bởi vì đây không phải là một địa điểm chiến lược, và do vậy, cũng không thể là nơi quân xâm lược nhắm tới. Công việc di tản thi hài Lenin đã diễn ra kịp lúc: chỉ vài tuần sau, vào ngày 22/7/1941, những quả bom đầu tiên của quân Đức đã được ném xuống thủ đô của Liên bang Xô viết.
Toa xe lửa đặt thi hài của Lenin được trang bị các bộ giảm xóc đặc biệt và các thiết bị khác để đảm bảo điều kiện nhiệt độ và không khí cần thiết, tất cả đều được một đội chuyên gia tiến hành giám sát.
Các nhân viên của NKGB được cử đi theo đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn tàu. Trên mỗi điểm đỗ, NKGB cũng luôn bố trí lực lượng bảo vệ.
Trước khi tàu chuyển bánh, người ta đã cho kiểm tra lại hệ thống đường ray nối từ thủ đô Moscow đến Tyumen, kéo dài gần 1.500km về phía đông. Tuy nhiên để đảm bảo bí mật, tàu được chỉ thị chạy vòng lên phía bắc, qua vùng hoang vắng Yaroslavl, nhằm tránh thu hút sự chú ý, đảm bảo bí mật.
Quan tài chứa thi hài Lenin được đặt vào một phòng trống ở nơi từng là một trường học. Đội chuyên viên ướp xác được bố trí ở phòng bên cạnh. An ninh được thắt chặt nhiều lớp. Vòng ngoài là nhân viên của NKGB, chi nhánh Tyumen. Vòng trong là nhiệm vụ của các sỹ quan an ninh thuộc điện Kremlin.
Mặc dù ở nơi mới, không phải là Quảng trường Đỏ uy nghiêm, việc đổi gác của đội danh dự vẫn diễn ra như bình thường. Cùng lúc đó, các đội lính gác vẫn thực hiện đổi gác tại Quảng trường Đỏ ở Moscow như thể thi hài Lenin vẫn ở trong lăng…
Việc này kéo dài ba năm 9 tháng. Đầu năm 1945, khi thế trận trên chiến trường đã nga ngũ, Phát xít Đức đang trên bờ diệt vong, lãnh đạo Liên Xô quyết định đưa thi hài Lenin trở về Quảng trường Đỏ.
Minh Di (tổng hợp)