Những “ông lớn” hàng đầu Thái Lan đang đổ sang Việt Nam, từng bước tạo ra cuộc xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường tiềm năng với những thương vụ đình đám.
Tập đoàn Central Group mua 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim
Sau khi tập đoàn Central Group của Thái Lan mở hai trung tâm bán lẻ Robinson tại Hà Nội và TP HCM với cái tên ROBINS hồi cuối năm 2014, Power Buy - chuỗi cửa hàng điện máy của tập đoàn này lại tiếp tục tiến vào thị trường Việt Nam với thương vụ mua lại 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim.
Power Buy - chuỗi cửa hàng điện máy của tập đoàn Central Group đang tiến vào thị trường Việt Nam với thương vụ mua lại 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. Ảnh: Kiến thức
Central Group là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, bán lẻ...
Chuỗi cửa hàng ROBINS không phải là dự án bán lẻ đầu tiên của Central Group ở Việt Nam. Trước đó, các cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance đã có mặt ở Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc tập đoàn Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.
Theo Central Group, việc đầu tư liên tiếp hai trung tâm mua sắm tại Việt Nam nằm trong kế hoạch lấn sân sang các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á đã được tập đoàn thông qua năm ngoái.
Cuộc đổ bộ của tỷ phú Charoen
Trong danh sách các tập đoàn Thái Lan ở Việt Nam có tên tuổi của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản ròng vào khoảng 11,3 tỷ USD.
Hồi tháng 8 vừa qua, tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen đã bỏ ra gần 900 triệu USD thâu tóm Metro Việt Nam từ tay người Đức để thâm nhập vào thị trường bán lẻ đầy triển vọng của Việt Nam.
Trước đó, năm 2013, Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái này cũng đã mua cổ phần Family Mart Nhật Bản trong liên doanh Family Mart tại Việt Nam và đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi này thành B'mart.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi
Trên thực tế, Tập đoàn TCC của Thái Lan (công mẹ của BJC) đã vào Việt Nam từ khá lâu với các nhà máy sản xuất giấy, thủy tinh, lon nước giải khát... Và TCC cũng không giấu giếm mục đích là đẩy mạnh bán hàng của tập đoàn tại Việt Nam.
Cuối năm 2014, Tập đoàn này còn đề xuất xin được mua cổ phần của Bia Sài Gòn. Trước đó, Trước đó, tỷ phú Charoen đã chi 1.800 tỷ đồng mua 11% cổ phần của Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) thông qua công ty con là F&N Dairy Investments - có trụ sở tại Singapore.
Khá nhiều đại gia Thái khác cũng đang âm thầm thâm nhập và xác lập vị thế trên thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực khác như: nước giải khát, sữa, vật liệu xây dựng...
Tập đoàn SCG với ý định thâu tóm lĩnh vực vật liệu xây dựng Việt Nam
SCG (Siam Cement Group) là tập đoàn kinh doanh đa ngành với những ngành cốt lõi như giấy, xi măng, vật liệu xây dựng. Thành lập năm 1913 tại Thái Lan, vào thị trường Việt Nam đã lâu nhưng SCG chỉ thực sự nổi lên sau khi chủ tịch tập đoàn này thâu tóm Prime.
Trong 100 năm qua, SCG liên tục mở rộng và đa dạng hóa hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Kan Trakulhoon - chủ tịch kiêm CEO của SCG.
SCG bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1992 và hiện đã có 19 công ty thành viên với tổng giá trị tài sản hơn 615 triệu USD tính đến cuối quý 3/2013. Các công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng, giấy, nhựa tổng hợp PVC, bê tông tươi, ngói bê tông; trưng bày; thương mại quốc tế và phân phối nội địa; dịch vụ hậu cần.
Một trong những khoản đầu tư đáng chú ý của SCG tại Việt Nam là thương vụ mua lại 85% vốn của Prime Group với giá 239,6 triệu USD Mỹ, tương đương 5.000 tỷ đồng vào tháng 12/2012. Prime Group là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng ở nước ta, chuyên sản xuất gạch ốp lát.
Bên cạnh đó, SCG thông qua đơn vị thành viên là The Nawaplastic Industries (Saraburi) nắm giữ số lượng lớn cổ phần trong hai doanh nghiệp nhựa thuộc “top” của ngành nhựa Việt Nam là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HOSE: NTP) và Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP).
Không dừng ở đó, SCG vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam.
Bảo An (tổng hợp)