Sản lượng thịt nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng 7,5 lần chỉ trong vòng 3 năm. Con số này sẽ không dừng lại khi thuế suất nhập khẩu thịt sẽ được giảm theo cam kết trong Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU.
Nếu như năm 2012, Việt Nam nhập khẩu 10.000 kg thịt từ EU thì đến năm 2014, số lượng nhập khẩu đã tăng lên 711.000 kg.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, riêng 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập 971 tấn thịt heo từ EU, tăng 24,7% về lượng và 63,5% về Doanh thu so với cùng kỳ năm trước.
Các loại thịt xuất xứ từ châu Âu sẽ đổ bộ vào Việt Nam với sản lượng lớn, khi FTA Việt Nam - EU được ký kết và có hiệu lực.
Các loại thịt xuất xứ châu Âu sẽ đổ bộ vào Việt Nam với sản lượng lớn, khi FTA Việt Nam - EU được ký kết và có hiệu lực.
Tương tự, trong thời gian này, 8.405 tấn thịt bò từ EU đã được nhập khẩu vào Việt Nam, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu thịt đông lạnh từ EU vào Việt Nam dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, bởi lẽ, đầu tháng 8/2015, Việt Nam và EU hoàn tất cơ bản đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA), dự kiến ký kết trong thời gian tới đây.
Khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực, giá thịt heo, bò, gà nhập khẩu từ EU sẽ rẻ hơn hiện nay nhờ thuế về mức 0% theo lộ trình từ 3 - 7 năm. Với mức thuế giảm về 0% theo lộ trình, các loại thịt xuất xứ châu Âu sẽ có giá rất cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thịt cùng loại trên thị trường Việt Nam, đặt các cơ sở chăn nuôi trong nước vào thế cạnh tranh dữ dội hơn.
Theo nhận định của Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI), hiện đã có khoảng 100 nhà xuất khẩu thuộc các nước EU đã được cấp phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam, trong đó 40% đến từ Ba Lan.
Ba Lan có thế mạnh là nước xuất khẩu thịt lớn thứ tư EU với công nghệ bảo quản đông lạnh thịt hiện đại, trong 18 tháng thịt heo vẫn giữ được chất lượng ổn định.
Các loại thịt nhập vào Việt Nam dưới dạng cấp đông, đóng gói 10 kg/gói có hạn sử dụng 18 tháng.
Trước đó, từ ngày 1/5/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã chính thức cho phép thịt bò không xương dưới 30 tháng tuổi của Pháp được nhập khẩu vào Việt Nam.
Nếu như năm 2012, Việt Nam nhập khẩu 10.000 kg thịt từ EU thì đến năm 2014, số lượng nhập khẩu đã tăng lên 711.000 kg. (Ảnh minh họa). |
Thịt nội không... lép vế
Trước lo ngại thịt EU sẽ “giết” thịt nội, bà Agnieszka Rozanska, Giám đốc điều hành Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI) khẳng định sẽ không có cuộc cạnh tranh mà chỉ là hợp tác để cùng phát triển. “Thịt nhập khẩu sẽ không cạnh tranh về giá mà tập trung vào chất lượng. Thịt địa phương và EU có hương vị, độ mềm… khác nhau nên sản phẩm thịt của EU góp phần tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng bởi sự khác biệt đó”, bà Agnieszka Rozanska nói.
Việc các doanh nghiệp nước ngoài, điển hình như EU sẽ “ồ ạt” nhập khẩu thịt vào Việt Nam, nhiều chuyên gia lo ngại nền nông nghiệp nước nhà, đặc biệt là chăn nuôi sẽ “chết đứng” nếu không kịp đổi mới. Tại diễn đàn chính sách nông nghiệp “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam” do Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP), tổ chức ngày 8/9 tại TPHCM, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ngành chăn nuôi phải đổi mới toàn diện để chủ động hội nhập.
Theo ông Trúc, một trong những nguyên nhân hiện nay khiến sản phẩm thịt heo, bò, gà của Việt Nam không thể cạnh tranh với nước ngoài là do chi phí thức ăn chăn nuôi quá cao khi chiếm đến 60-70% giá thành phẩm. Nếu không hạ thấp giá thành thức ăn chăn nuôi thì sản phẩm từ heo, bò, gà, vịt khó cạnh tranh với nước ngoài.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng đồng tình khi cho rằng giá thành thức ăn chăn nuôi Việt Nam cao hơn các nước có ngành chăn nuôi phát triển trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Hơn nữa, hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong chăn nuôi, cơ chế tín dụng ưu đãi thật sự cho ngành này cũng chưa có. Đây là những “điểm trừ” khiến chăn nuôi Việt Nam khó có cửa cạnh tranh với các nước có ngành chăn nuôi phát triển trong khu vực và EU.
Ông Lịch cũng thẳng thắng chỉ ra những bất cập trong ngành chăn nuôi Việt Nam. Thủ tục hành chính rườm rà “đội sổ” danh sách những bất cập đó. Ông Lịch cho biết, để doanh nghiệp nhập được một tấn thức ăn chăn nuôi thì phải mất ít nhất 6 tháng mới có giấy phép.
“Nếu giảm được thủ tục rườm rà, có cơ chế ưu đãi nông nghiệp bằng cách học hỏi các nước trong khu vực. Học hỏi thật sựu trên cơ sở cầu tiến chứ đừng đi học hình thức thì chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh trong thời hội nhập”, ông Lịch nói.
theo Ngọc Anh (tổng hợp)/ Đời sống Pháp luật