Theo bảng xếp hạng 35 nước có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới của Global Firepower, Việt Nam xếp vị trí thứ 23 thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á.
Báo cáo viết: Chỉ có một cách thực sự để so sánh sức mạnh quân sự của các quốc gia (ám chỉ chiến tranh) nhưng may mắn thay chúng ta đã không có cơ hội để so sánh sức mạnh thực sự của các quốc gia trong những thập kỷ gần đây mặc dù tình hình căng thẳng vẫn diễn ra ở nhiều khu vực như Trung Đông, khủng hoảng ở Ukraine và tranh chấp trên vùng Biển Đông và Hoa Đông.
Thay vào đó, chúng ta sẽ đánh giá sức mạnh quân sự của 106 quốc gia dựa trên 50 yếu tố bao gồm các yếu tố chính như ngân sách quân sự, nguồn nhân lực có sẵn, và số lượng thiết bị mỗi quốc gia có trong kho vũ khí, và cách khai thác các nguồn tài nguyên.
Các tiêu chuẩn đánh giá tập trung vào số lượng, không phụ thuộc vào các loại khác nhau. Nó cũng không bao gồm vũ khí hạt nhân mặc dù đây là con át chủ bài cuối cùng trong địa chính trị.
Bảng xếp hạng này bao gồm 35 quốc gia quân sự hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam đứng thứ 23, theo dữ liệu trang Global Firepower Index. Các dữ liệu sẽ tiếp tục được cập nhật để đánh giá trong những thời điểm tiếp theo.
Quân sự Việt Nam đừng thứ 23 trên thế giới.
Báo cáo trên chỉ ra rằng Mỹ vẫn đứng đầu thế giới trong chi tiêu quân sự hàng năm hơn 600 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai nhưng tổng số chi tiêu cũng chỉ bằng 1/3 của Mỹ với con số gần 130 tỷ USD. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), Mỹ đã giảm khoảng 7,8% ngân sách quốc phòng do một số hoạt động quân sự tại nước ngoài đã chấm dứt. Ví dụ rút quân khỏi Afghanistan, Iraq. Trong khi đó, Nga đã tăng chi tiêu quân sự lên 88 tỷ USD với kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí của mình.
Các tàu sân bay đóng góp rất lớn vào sức mạnh tổng thể của một quốc gia. Các tàu lớn cho phép các quốc gia có khả năng triển khai sức mạnh vượt xa biên giới của họ và trên toàn bộ bề mặt trái đất bởi vì nó là một căn cứ hải quân và không quân di động. Tàu sân bay lại có khả năng mang máy bay nên nó làm thay đổi đáng kể khả năng giám sát toàn cầu của nước sở hữu.
Đó là điều mà báo cáo lý giải cho lý do tại sao có những nước đông quân, nhiều vũ khí mặt đất nhưng lại không được đánh giá cao hơn nước khác.
Báo cáo viết rằng độc quyền tuyệt đối về tàu sân bay vẫn thuộc về Mỹ. Nước này đã triển khai 1 tàu sân bay tới vịnh Ba Tư để tăng cường sức mạnh trên biển và trên không trước khi bạo lực bùng phát tại Iraq. Cũng như Nga đã triển khai một tàu sân bay tới Địa Trung Hải trong cuộc chiến ở Syria.
Có một sự bất thường trong các chỉ số toàn cầu là xếp hạng của Triều Tiên nằm ở cuối bảng 35 nước mạnh nhất mặc dù nước này có nhiều tàu ngầm nhất thế giới. Tuy nhiên các tàu ngầm này phần lớn không sử dụng được. Một phần ba trong số đó là động cơ diesel ồn ào và được chế tạo từ thập niên 1960 đã lỗi thời. Vũ khí của các tàu ngầm này cũng chỉ kiểm soát được trong phạm vi 4 dặm trong khi một tàu ngầm hiện đại của Mỹ có phạm vi kiểm soát trong 150 dặm.
Riêng khu vực Đông Nam Á, chỉ có 3 nước lọt vào top 35 là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Trong đó, Indonesia ở vị trí thứ 19 vì lực lượng động viên của họ có tới 129 triệu người (gấp 2,5 lần Việt Nam) và ngân sách quốc phòng hơn 6 tỷ USD mỗi năm (gấp 2 lần Việt Nam). Thái Lan đứng sau Việt Nam mặc dù chi tiêu quân sự hàng năm hơn 5 tỷ USD nhưng nguồn động viên ít hơn và số lượng vũ khí chính như máy bay, xe tăng cũng ít hơn.
Theo Người đưa tin