Theo Dailymail, ngày 31/10, các nhà khoa học đưa ra tuyên bố gây sốc về nguồn gốc đằng sau bức Tượng Nhân sư khổng lồ ở Giza, Ai Cập.
Tượng Nhân sư là bức tượng nguyên khối lớn nhất thế giới, dài 73,5 mét (241 ft) và cao 20,22 m (66,34 ft). Bức tượng được cho là do người Ai Cập cổ đại ở thời kỳ Cổ Vương quốc xây dựng, dưới triều đại của Pharaon Khafra (2558-2532 trước công nguyên).
Đây là bức tượng làm bằng đá vôi hình một con nhân sư (một sinh vật truyền thuyết với thân sư tử và đầu người) trong tư thế phủ phục nằm ở cao nguyên Giza, trên tả ngạn sông Nile tại Giza, Ai Cập. Tượng Nhân sư được xây dựng ở Ai Cập hơn 4.500 năm trước.
Lâu nay, nguồn gốc về bức tượng khổng lồ này vẫn là câu hỏi lớn nhà khoa học.
Trong nhiều thế kỷ, các nhà sử học và khảo cổ học đã khám phá những bí ẩn đằng sau Tượng Nhân sư ở Giza: Ban đầu nó trông như thế nào? Nó được thiết kế để đại diện cho điều gì? Tên ban đầu của bức tượng là gì? ... Tuy nhiên, nhiều người lại ít chú ý hơn đến một câu hỏi mang tính nền tảng và gây tranh cãi: Địa hình mà người Ai Cập cổ đại đã trải qua khi họ bắt đầu xây dựng công trình kiến trúc đặc biệt này. Liệu môi trường xung quanh tự nhiên ở đây có góp phần vào sự hình thành của bức Tượng Nhân sư hay không?
Các nhà sử học đều đồng tình với nhận định, khuôn mặt của tác phẩm điêu khắc được chạm khắc bởi các thợ đá cổ xưa. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết từ những năm 1980 rằng gió sa mạc đã hình thành nên đường nét tổng thể của tượng nhân sư.
Để giải quyết những câu hỏi này, một nhóm các nhà khoa học của Đại học New York đã tái tạo lại các điều kiện tồn tại cách đây 4.500 năm – khi Tượng Nhân sư được xây dựng. Các nhà khoa học của Đại học New York đã thử nghiệm lý thuyết đó bằng cách tạo ra các tác phẩm điêu khắc thu nhỏ giống sư tử từ đất sét bằng cách sử dụng động lực học chất lỏng. Họ phát hiện ra rằng có thể hình dạng tự nhiên của tảng đá đã truyền cảm hứng cho người Ai Cập tạo ra tượng nhân sư.
Leif Ristroph, phó giáo sư tại Viện Khoa học Toán học Courant của Đại học New York và là tác giả chính của nghiên cứu, giải thích trên Phys: “Phát hiện của chúng tôi đưa ra một 'câu chuyện về nguồn gốc' của bức tượng nhân sư, điều đó có thể xảy ra về cách tạo nên những bức tượng có các hình dạng giống Nhân sư có thể hình thành từ sự xói mòn”.
Ông nói thêm: "Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng trên thực tế, những hình dạng giống tượng Nhân sư có thể đến từ các vật liệu bị xói mòn bởi dòng chảy nhanh”.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một lý thuyết do nhà địa chất Farouk El-Baz đề xuất vào năm 1981, người cho rằng khối Nhân sư ban đầu có hình dạng đỉnh phẳng, dần dần bị gió xói mòn.
Cựu nhà khoa học của NASA đã công nhận rằng những người xây dựng kim tự tháp biết về các quá trình tự nhiên này và đã xây dựng những cấu trúc bằng đá nhọn của chúng để tồn tại lâu dài, giống như những ngọn đồi.
El-Baz chia sẻ trong một tuyên bố năm 2011: “Ngày nay, các kim tự tháp ở Giza tồn tại hoàn toàn hài hòa với môi trường đầy nắng và gió nơi đây”.
"Nếu người xưa xây dựng những bức tượng theo hình khối lập phương, hình chữ nhật hay thậm chí là hình tròn, chúng sẽ bị xóa sổ bởi sự tàn phá của xói mòn do gió từ lâu", ông giải thích.
El-Baz cũng đưa ra giả thuyết rằng yardang - các khối đá bất thường được tìm thấy trên sa mạc do bụi và cát bị gió tác động, được tạo ra một cách tự nhiên bởi gió, có thể đã tồn tại từ lâu trên Cao nguyên Giza.
El-Baz chia sẻ: “Các kỹ sư thời cổ đại có thể đã quyết định định hình lại phần đầu của nó theo hình ảnh vị vua của họ”. Họ cũng tạo cho nó một cơ thể giống sư tử, lấy cảm hứng từ những hình dạng mà họ gặp trên sa mạc. Để làm được điều đó, họ phải đào một con hào xung quanh phần nhô ra tự nhiên.
Để làm điều tương tự, Ristroph và các đồng nghiệp của ông trong Phòng thí nghiệm Toán học Ứng dụng của NYU đã lấy những ụ đất sét mềm kèm theo các vật liệu cứng, ít bị xói mòn hơn và trộn lẫn với nhau để tái tạo địa hình ở phía đông bắc Ai Cập. Sau đó, các nhà khoa học rửa sạch những bức tượng này bằng dòng nước chảy xiết, sau đó làm gió nhân tạo, khắc và định hình lại bức tượng. Cuối cùng, miếng đất sét trông có hình dạng giống như phiên bản thu nhỏ của Tượng Nhân sư.
Vật liệu cứng hơn hoặc có khả năng chịu lực cao hơn đã trở thành 'đầu' của sư tử và nhiều đặc điểm khác — chẳng hạn như 'cổ', 'bàn chân' đặt phía trước trên mặt đất và 'lưng' cong - đã được phát triển.
Ristroph cho biết: “Kết quả của chúng tôi cung cấp một lý thuyết khác về nguồn gốc và cách hình thành tượng Nhân sư, điều này có thể cho thấy bức tượng được hình thành tự sự xói mòn. Trên thực tế, ngày nay có những yardang tồn tại trông giống như động vật ngồi hoặc nằm, điều này có thể hỗ trợ cho kết luận của chúng tôi".
Ông cũng cho biết, công trình nghiên cứu này sẽ đem lại hữu ích cho các nhà địa chất vì chúng tiết lộ các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành đá. "Những hình dạng bất ngờ đến từ cách các dòng chảy được chuyển hướng xung quanh các phần cứng hơn hoặc ít bị xói mòn hơn", ông nói thêm.
Hầu hết các nhà Ai Cập học cho rằng Tượng Nhân sư khổng lồ tượng trưng cho hình ảnh giống Vua Khafra. Những người khác cũng tin rằng Djadefre, anh trai của Khafra, đã xây dựng tượng Nhân sư để tôn vinh cha mình, Khufu.
Điều này cho thấy bức tượng Nhân sư được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 2550 trước Công nguyên đến năm 2450 trước Công nguyên. Tuy nhiên, bằng chứng liên kết tượng Nhân sư với Khafra còn hạn chế và khá mơ hồ.
Tượng Nhân sư được phát hiện vào năm 1817, khi một nhóm khai quật do nhà khảo cổ học người Ý - Giovanni Battista Caviglia dẫn đầu đã phát hiện ra một góc của bức tượng. Và phải đến năm 1887, phần ngực, bàn chân, mới hoàn toàn được nhìn thấy.