Quân đội Thái Lan lại một lần nữa sa lầy vào các cuộc tranh cãi sau khi một loạt các học viên sĩ quan trẻ tuổi được phát hiện đã chết trong khi trải qua huấn luyện quân sự. Tình hình thêm trầm trọng khi trong một vụ việc mới nhất, cháu gái của một học viên đã qua đời đã tiết lộ những hành động tàn bạo đang diễn ra trong doanh trại quân đội.
Tuần trước, Naritsarawan Kaewnopparat, một viên chức đang làm việc cho tổ chức phúc lợi xã hội của trẻ em, đã bị bắt giữ vì đăng tải những bài viết bôi nhọ quân đội trên Facebook. Cô cáo buộc quân đội đang bảo vệ "một số người" phải chịu trách nhiệm cho vụ giết người tàn bạo đối với chú của cô, Wichian Puaksom, người đã chết trong doanh trại quân đội hồi tháng 6/2011. Mặc dù cô gái trẻ này sau đó đã được tại ngoại, song vụ việc khiến người ta nghĩ đến một vấn đề rộng lớn hơn ở Thái Lan.
Những bí mật đen tối trong quân đội Thái Lan
Wichian phục vụ tình nguyện trong quân đội và đóng quân tại tỉnh Narathiwat, sâu về phía nam Thái Lan. Theo bài viết mà cô cháu gái Naritsarawan đăng tải trên Facebook, Wichian bị bắt gặp đang chạy trốn khỏi nơi huấn luyện và sau đó bị tra tấn đến chết. Do bị phát hiện rời bỏ nhiệm vụ, Wichian đã bị tát vào mặt nhiều lần và bị kéo lê trên sàn bê tông trong tình trạng trần truồng. Cơ thể và khuôn mặt Wichian bị các binh sĩ cấp bậc cao hơn chà đạp bằng cách dẫm lên cổ, đâm cọc tre nhọn vào các đầu ngón chân và đá vào tinh hoàn.
Mặc dù điều này rõ ràng bị xem là hành vi vô nhân đạo đối với bất cứ người quan sát nào từ bên ngoài, song đây cũng thực sự là điều chưa từng nghe thấy trong văn hóa quân đội Thái Lan. Trong quân đội Thái Lan tồn tại một loại hình phạt mà tiếng Thái gọi là "som", bao gồm các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào nạn nhân.
Những chấn thương trên cơ thể Wichian rất nghiêm trọng đến mức anh đã được chuyển đến phòng cấp cứu ở một bệnh viện thuộc tỉnh Narathiwat. Thế nhưng, các bác sĩ cũng không cứu được anh. Trong thời gian đó, gia đình Wichian đã giữ bí mật về những điều khủng khiếp đã xảy ra. Khi tin tức về cái chết của Wichian bại lộ, quân đội đã tìm cách bịt miệng gia đình anh bằng cách đề nghị một khoản bồi thường là 7 triệu baht (khoảng 200.000 USD). Tuy nhiên, gia đình Puaksom kiên quyết đòi lại công lý cho con trai mình.
Trong quân đội Thái Lan tồn tại một loại hình phạt mà tiếng Thái gọi là "som", bao gồm các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào nạn nhân. |
Naritsarawan, từ khi còn là một sinh viên đại học, đã bắt tay vào hành trình khám phá sự thật về cái chết của chú cô. Cô đã viết rất nhiều thư khiếu nại và kiến nghị tới các cơ quan chức năng cao nhất trong quân đội, bao gồm cả tướng Prayuth Chan-ocha, thủ tướng đương nhiệm và cũng là chỉ huy quân đội khi đó, để điều tra về cái chết của Wichian và đưa thủ phạm ra trước công lý. Thế nhưng, tất cả mọi nỗ lực của cô đều rơi vào tuyệt vọng.
Bên cạnh việc những lời kêu gọi công lý cho người chú liên tục bị từ chối, Naritsarawan và gia đình cô cũng thường xuyên bị hăm dọa. Các nhà chức trách cảnh báo gia đình cô không đào lại sự việc để không bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Một lần, có người đã bắn súng vào nhà họ nhưng may mắn là không ai bị thương.
Nỗi bất bình của Naritsarawan lại trở thành đề tài thu hút sự chú ý của công chúng sau cái chết của một sĩ quan quân đội khác gần đây, Kittikorn Suthiraphan. Kittikorn cũng bị giết chết trong doanh trại quân đội hồi tháng 2 năm nay. Thảm kịch này gợi cho người Thái nhớ đến văn hóa "som" trong quân đội không hề bị xóa bỏ như những gì mà quân đội đã nói với Naritsarawan rằng cái chết của chú cô là trường hợp cuối cùng. Cảm thấy bị phản bội, cô gái trẻ bắt đầu viết những bài chỉ trích trên Facebook, vạch trần những bí mật đen tối trong quân đội Thái Lan, bao gồm cả văn hóa trừng phạt cũng như mối ác cảm mà nó mang đến đối với xã hội Thái.
Mối lo ngại khi quân đội hợp nhất với nhà nước
Từ khi quân đội Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng 5/2014, các cơ quan then chốt của Thái Lan đều dần được quân sự hóa, một phần vì những lợi ích của việc quân sự hóa nhưng cũng một phần vì thực tế là quân đội đã trở nên hợp nhất với nhà nước.
Quân đội Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng 5/2014 |
Trong bối cảnh đó, đã có nhiều trường hợp liên quan đến sai phạm hoặc trái quy tắc trong một bộ phận, các nhóm hoặc các cá nhân trong quân đội. Tuy nhiên, những vụ việc này đều đã bị chôn vùi hoặc được các nhà hoạch định cuộc đảo chính bảo vệ quyết liệt.
Giới tinh hoa quân đội Thái Lan cũng khai thác địa vị của họ để thăng cấp cho họ hàng, bạn bè và đồng minh của họ. Em trai của Thủ tướng Thái Prayut, tướng Preecha đã được thăng đến chức thư ký thường trực của Bộ Quốc phòng và là thành viên của Hội đồng lập pháp quốc gia. Preecha cũng bổ nhiệm con trai mình vào phục vụ trong quân đội. Em trai của Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan là Patikom cũng được bổ nhiệm vị trí đứng đầu cơ quan trừng phạt. Truyền thông Thái Lan không được phép thảo luận về sự thăng cấp của những nhân vật quyền lực như thế này.
Thủ tướng Thái Lan đương nhiệm Prayuth Chan-ocha từng là tướng chỉ huy trong quân đội. Ảnh: AP |
Sự theo đuổi công lý không mệt mỏi của Naritsarawan không thể mang lại công bằng cho chú của cô, nhưng lại là cơ hội để lộ ra những bí mật đen tối trong quân đội Thái Lan - vốn là gốc rễ của nhiều vấn đề trong nước. Trường hợp của cô là bằng chứng cho thấy các cơ quan chủ chốt đã được quân sự hóa, bao gồm cả cơ quan tư pháp cũng đã phối hợp với quân đội để bảo vệ lợi ích chính trị của nhau.
Lê Huyền (The Diplomat)