Chia sẻ với PV về quá trình 'trưởng thành' của chú Sao La - linh vật SEA Games 31. Ông Ngô Xuân Khôi cho biết đã nhiều lần phải chỉnh sửa tạo hình chú Sao La theo yêu cầu của BTC để hình ảnh linh vật đạt tính thẩm mỹ cao, phù hợp với việc tạo hình linh động cho từng môn thi đấu cụ thể và cũng dễ thiết kế thú nhồi bông...
Bản vẽ đầu tiên được gửi tới ban tổ chức qua đường bưu điện cùng với bản thuyết minh về nhân vật Sao La. Chú Sao La đầu tiên có tạo hình tương đối mảnh mai, trang phục có độ chi tiết cao với nhiều chi tiết nhỏ được vẽ tỉ mỉ.
Sau khi được chọn, ban tổ chức đã yêu cầu chỉnh sửa hình ảnh chú Sao La trở nên tròn trịa hơn. Để hoàn thiện những bản vẽ Sao La, họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã phải tham khảo nhiều phong cách từ Đông sang Tây như lối vẽ Manga của Nhật Bản hay phong cách hoạt hình theo kiểu Walt Disney.
"Nhiều lần chỉnh sửa quá, tôi cũng quên luôn tạo hình bản gốc như thế nào. Cho đến khi bản chính thức được lựa chọn, chính tôi cũng bất ngờ vì đó lại là bản có nhiều điểm tương đồng với tạo hình đầu tiên nhất", ông Khôi chia sẻ. "Từ tạo hình chính thức này, tôi muốn gợi lên hình ảnh của những nhân vật rối nước - một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam"
Vệt lông mày trắng của chú Sao La là chi tiết ít được người xem chú ý nhưng lại khiến cha đẻ của linh vật đau đầu không ít. Theo ông Khôi, nhiều tạo hình được ban tổ chức lựa chọn nhưng chính ông lại không ưng ý chỉ bởi vệt lông mày không ở đúng chỗ: "Lông mày của Sao La là phải chạy dọc theo đường sống mũi!".
Để có được những bản thiết kế hoàn chỉnh là hàng trăm bức phác thảo từ nghuệch ngoạc đến chi tiết bằng cả bút chì lẫn bút bi. Sau khi tạo hình chính thức của linh vật SEA Games 31 được ấn định, ông Khôi còn đặt làm một bức tượng Sao La để có thể tận mắt nhìn thấy đứa con tinh thần của mình trông sẽ ra sao trong không gian 3 chiều.