(Tinmoi.vn) Một khi các nhà điều tra tìm kiếm MH370 xác định hộp đen máy bay hoàn toàn ngừng hoạt động, họ sẽ phải chuyển sang phương hướng tìm kiếm hoàn toàn mới với những thiết bị được thay đổi cho phù hợp.
Một trong số những phương tiện tìm kiếm mới được đưa vào sử dụng là Bluefin-21, một tàu thăm ngầm tự động chuyên dùng để khảo sát đáy biển sâu, có khả năng phát hiện, chụp lại các đối tượng sâu trong lòng đáy đại dương thông qua việc tạo ra hình ảnh từ các phản xạ âm thanh thay vì ánh sáng.
Tính đến nay, tàu ngầm không người lái này đã 6 lần tiến hành các cuộc tìm kiếm dưới đáy đại dương, với độ sâu 3.000m. Các thiết bị cảm ứng phụ có thể quét trong vòng 100m, độ sâu tối đa đạt được là 4.500m và còn hơn nữa.
CNN dẫn lời nhà hải dương học Sylvia Earle, Giám đốc Cơ quan hải dương và Khí quyển quốc gia Australia cho biết: "Đó là một thiết bị hỗ trợ cần thiết trong việc xác định vị trí đống đổ nát của máy bay".
Trước đó, 4 tiếng "pings" đã được thu nhận được cho là từ hộp đen máy bay mất tích MH370 - thiết bị ghi dữ liệu máy bay và ghi âm buồng lái - đã giúp các nhà điều tra thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Tuy nhiên, các nhà điều tra tiếp tục phải đối mặt với nhiệm vụ lớn hơn, khó khăn hơn là điều kiện địa hình dưới đáy đại dương cùng độ sâu lên tới 4.500m.
Bluefin-21 được đặt nhiều hy vọng nhất lúc này để tìm kiếm đống đổ nát MH370 ở độ sâu 4.500m dưới đáy Ấn Độ Dương
Trong bối cảnh như vậy, Bluefin-21 là sự lựa chọn phù hợp bởi tốc độ di chuyển chậm của nó có thể vượt qua mọi loại địa hình phức tạp dưới đáy đại dương.
Mặc dù di chuyển chậm chạp nhưng Bluefin-21 có thể tạo ra những hình ảnh chất lượng tốt bởi thay vì chụp ảnh bằng máy ảnh, Bluefin-21 sẽ chụp ảnh bằng âm thanh. Một khi các mảnh vỡ được tìm thấy, các thiết bị khác - chẳng hạn như xe điều khiển từ xa - sẽ được đưa vào để phục hồi các hộp đen.
Thiết bị khảo sát dưới nước ROVs làm việc ở độ sâu 4.500m đòi hỏi sức mạnh được chuyển xuống từ một dây cáp trên tàu. Tuy nhiên, không nhiều thiết bị trên thế giới có thể làm được điều này. Hiện nay, trên thế giới, chỉ một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc sở hữu những tàu ngầm có người lái loại nhỏ có thể đạt đến độ sâu như vậy.
"Sự hiện diện của con người có thể mang đến một khác biệt lớn, làm tăng lên những lợi thế để tìm hiểu điều gì đang ở dưới độ sâu 4500m kia", bà Earle nói.
Bà Earle cũng thẳng thắn bày tỏ sự thiếu thốn các thiết bị tìm kiếm cho thấy Australia chưa tập trung cho các hoạt động ở vùng biển sâu. "Chúng tôi đã đầu tư vào hàng không và hàng không vũ trụ mà bỏ qua đại dương".
Thời gian chuyển từ ghi nhận tiếng pings cho đến khi tìm kiếm các mảnh vỡ đang rất gấp rút. Ông Alan Diehl, một cựu nhân viên điều tra tai nạn hàng không cho biết: "Chúng ta đang ở thời điểm rất khẩn trương và cần nhanh chóng tiến hành tìm kiếm đống đổ nát thông qua Bluefin-21".
Đã 4 ngày trôi qua kể từ khi 5 tín hiệu xung được phát hiện, tuy nhiên, việc phát hiện hộp đen không hề dễ dàng giữa đại dương mênh mông cùng độ sâu quá lớn. Trong khi đó, có thể đến thời điểm này, pin hộp đen đã hoàn toàn ngừng hoạt động sau 36 ngày nằm dưới nước.
Theo chuyên gia hàng không David Soucie, tác giả cuốn "Tại sao máy bay rơi", sự thất bại của các chuyên gia trong việc tìm kiếm mảnh vỡ máy bay MH370 không có gì đáng ngạc nhiên. Dường như, mô hình họ áp dụng để tìm kiếm các mảnh vỡ là không chính xác và mất vài tuần tìm kiếm sai khu vực.
Việc không tìm thấy bất kì mảnh vỡ nào có thể vì máy bay không bị vỡ tung mà đã chìm nguyên vẹn dưới nước.Trong trường hợp này, những nỗ lực tìm kiếm hộp đen sẽ phức tạp hơn nhiều vì chúng đã được đặt bên trong phần đuôi của máy bay. Các nhà điều tra sẽ phải tháo dỡ đuôi lấy hộp đen ra và tiến hành nghiên cứu, phân tích những bí mật ẩn chứa bên trong.
Yên Yên (Theo CNN)