Không hào nhoáng, tráng lệ như vẻ bề ngoài, Tử Cấm Thành từng xảy ra nhiều thảm án khiến không ít cung tần mỹ nữ bỏ mạng vì tham vọng vô độ của một số vị hoàng đế.
Nhà Minh kéo dài 276 năm (1368-1644) được mô tả là một trong những triều đại vĩ đại nhất về ổn định chính trị và xã hội trong lịch sử Trung Quốc. Triều đại này được cho là phát triển hùng mạnh, với nhiều phát minh vượt trội đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ca ngợi về sự ổn định và những đổi mới thì nhà Minh lại ẩn chứa những góc tối đáng sợ.
Sự tàn ác của nhà Minh thực sự vô cùng đáng sợ, đặc biệt nạn nhân của những hình phạt khủng khiếp này lại chủ yếu nhắm vào những thê thiếp, cung nữ trong hậu cung.
Theo ghi chép lịch sử, một số hoàng đế nhà Minh có tới hơn 9.000 cung tần , tuy nhiên không phải ai cũng được sủng hạnh và nhiều người phải hứng chịu cuộc sống giam lỏng, cô đơn trong cung cấm cho tới cuối đời.
Thậm chí ngay cả Hồng Vũ Đế hay còn gọi là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra triều đại nhà Minh, ông được coi là một trong những hoàng đế có ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc, cũng khiến hậu thế khiếp sợ vì sự tàn nhẫn, thẳng tay giết hại công thần, hà khắc với nữ nhân,...
Theo đó, sau khi đánh bại nhà Nguyên (1271-1368), lên ngôi hoàng đế vào năm 1368, và thiết lập triều đại của mình, hoàng đế Chu Nguyên Chương lại khiến nhiều người khiếp sợ vì sự tàn nhẫn của ông.
Niềm kiêu hãnh và nghi kỵ do những cơn ghen tuông mù quáng khiến vị hoàng đế này cố gắng kiểm soát mọi mặt trong cuộc sống của và đằng sau cánh cửa hậu cung hào nhoáng là các cuộc thanh trừng, tra tấn và giết hại dã man. Thậm chí, ngay cả sau khi ra đi, hầu hết phi tần đều phải tùy táng theo vị hoàng đế đầu tiên của nhà Minh.
Để kiểm soát thế giới của những người phụ nữ, mỹ nhân trong hậu cung ngay cả sau khi qua đời, Chu Nguyên Chương đã đặt ra quy định rằng trừ vợ cả (hoàng hậu) thì hầu hết những người thê thiếp sẽ bị giết chết hoặc buộc phải tự tử hay bị chôn sống để tùy táng cùng hoàng đế.
Quy định tàn khốc này kéo dài và ảnh hưởng tới 2 người kế vị tiếp theo của Chu Nguyên Chương và sau đó may mắn là được bãi bỏ vào năm 1464.
1. Thảm sát gần 3.000 cung nữ: Vụ án oan rúng động sau Tử Cấm Thành
Minh Thành Tổ Chu Đệ là con trai thứ tư của của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, đồng thời là hoàng đế thứ 3 của nhà Minh. Ông nổi tiếng là vị hoàng đế quyết định dời đô từ Nam Kinh tới Bắc Kinh (thủ đô của Trung Quốc ngày nay) và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian trị vì đất nước.
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế sáng lập ra nhà Minh. Ảnh: Public Domain
Tại Bắc Kinh, vị hoàng đế này đã ra lệnh xây dựng Tử Cấm Thành, cung điện hoàng gia của hai triều Minh, Thanh. Mặc dù gặt hái được nhiều thành tựu, và được coi là một vị hoàng đế kiệt xuất, giúp nhà Minh phát triển đến đỉnh cao của quyền lực, nhưng Chu Đệ đã tiến hành một cuộc đại sát dã man khiến 2.800 cung nữ phải bỏ mạng.
Cụ thể, vào năm 1421, một người thiếp yêu của Minh Thành Tổ là Quyền Phi đột ngột qua đời không rõ nguyên nhân, vì quá đau buồn và nảy sinh nghi kỵ từ những lời đàm tiếu về cái chết của nàng nên vị hoàng đế này đã ra tay giết hại tới 2.800 cung nữ và thanh trừng nhiều phi tần liên quan bằng cách giết hại, xử chém.
Tuy nhiên, đến năm cuối đời của hoàng đế Chu Đệ thì sự thật mới được phơi bày và cho thấy đây là vụ án oan sai.
2. Tìm kiếm thuốc trường sinh từ trinh nữ: Bi kịch khuynh đảo triều Minh
Sinh lão bệnh tử là quy luật không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng mỗi khi con người nghĩ đến cái chết thì thường tỏ ra lo sợ, đặc biệt là các vị hoàng đế. Trong lịch sử Trung Quốc có không ít ông vua tìm nhiều cách, lao tâm khổ tứ để tìm kiếm phương thuốc trường sinh bất tử, chẳng hạn như Tần Thủy Hoàng, Đạo Vũ Đế (Bắc Ngụy),..
Đi theo vết xe đổ đó, vào thời nhà Minh, một số vị hoàng đế say mê thuật trường sinh đến độ bỏ bê luôn cả việc chính sự. Điển hình có thể kể đến Minh Thế Tông, vị hoàng đế thứ 12 của nhà Minh lên ngôi vào năm 1521 với niên hiệu Gia Tĩnh.
Theo một số ghi chép cho rằng, Minh Thế Tông Chu Hậu Thông bị ám ảnh vì việc tìm kiếm đan dược giúp ông trường sinh bất tử và mê muội tin rằng thành phần quan trọng của thứ thuốc trường thọ này là kinh nguyệt của trinh nữ.
Cụ thể, để điều chế thuốc bất tử, hoàng đế đã ra lệnh thu gom kinh nguyệt của các thiếu nữ còn trinh trắng và sử dụng nó làm nguyên liệu pha trộn với một số thành phần khác. Chỉ vì tham vọng của vị hoàng đế nhà Minh mà hàng nghìn trinh nữ bị bắt tới Tử Cấm Thành để điều chế thuốc đan dược trường sinh.
Hàng nghìn cung tần mỹ nữ từng phải chịu kết cục bi đát đằng sau cuộc sống vốn tưởng chừng vương giả, hào hoa của Tử Cấm Thành. Ảnh: Internet
Để đảm bảo rằng cơ thể của những cô gái trinh nữ (tuổi khoảng 13-14) thật tinh khiết, trong sạch. Minh Thế Tông ra lệnh giam giữ và chỉ cho họ ăn lá dâu và uống sương. Nhiều người đã chết vì đói do chế độ ăn uống tàn ác này, số khác không chết thì bị đánh đập và nếu bị bệnh thì sẽ bị đuổi ra khỏi hoàng cung.
Hành hạ và tàn sát nhiều trinh nữ, thê thiếp nên vị vua tàn bạo này đã bị những người phụ nữ hiệp nghĩa hợp sức lại để lập mưu ám sát. Sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trung Hoa được gọi là Nhâm Dần cung biến.
Diễn ra vào năm 1542, Nhâm Dần cung biến là vụ ám sát do 16 cung tần mỹ nữ của Minh Thế Tông Chu Hậu Thông lập mưu, lên kế hoạch để ám sát ông vua tàn ác. Theo đó, 16 cung nữ đã tiến hành ám sát hoàng đế khi ông đang ở cung của Tào Đoàn Phi, một phi tần đang được sủng ái nhất trong hậu cung lúc đó.
Sau khi Tào Đoàn Phi và các cung nữ rời cung, Minh Thế Tông ở lại một mình và đây là cơ hội để các nữ sát thủ ra tay. Nhân lúc vị hoàng đế này ngủ say, các cung nữ đã xông vào để khống chế và một người trong số họ thì buộc một dải lụa để siết ông vua này. Nhưng do lo sợ nên tay chân luống cuống khiến người cung nữ này buộc nút thắt không thít.
Những âm mưu tranh sủng, cung tâm kế và ngay cả những cơn thịnh nộ của hoàng đế trong cung cấm cũng có thể đoạt mạng những phi tần, cung nữ vô tội. Ảnh minh họa
Đúng lúc ấy, Phương hoàng hậu và các thái giám, thị nữ xuất hiện để kịp thời giải cứu hoàng đế và bắt giam những hung thủ. Minh Thế Tông sau đó đã bị bất tỉnh cho đến tận chiều hôm sau, vì vậy Phương hoàng hậu đã tự tay xử trí toàn bộ vụ án. Những người cung nữ tham gia hành thích hoàng đế đều bị "tùng xẻo", đồng thời gia đình của họ cũng chịu kết cục bi đát là tru di tam tộc.
Thậm chí, ngay cả Tào Đoàn Phi, nàng sủng phi của Minh Thế Tông mặc dù bị oan nhưng cũng phải chịu kết cục bi thảm như những nữ thích khách trong Nhâm Dần cung biến.
Sau khi xém chút nữa bỏ mạng trong sự kiện Nhâm Dần cung biến, Minh Thế Tông không bị chết yểu nhưng do ham mê sắc dục, mê muội thuốc trường sinh nên vào năm Gia Tĩnh thứ 45 thì ốm nặng và không lâu sau qua đời, hưởng thọ 59 tuổi, vì uống quá nhiều thuốc kim thạch của một đạo sĩ.
Tham khảo nguồn: Britannica, Ancientorigins