Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
Khi mắc sốt xuất huyết, các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng. Các triệu chứng nhẹ của bệnh sốt xuất huyết có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác gây sốt, đau nhức hoặc phát ban. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốt kèm các triệu chứng như: buồn nôn, nôn, phát ban, đau và nhức hố mắt, đau cơ, khớp hoặc xương… Các triệu chứng này thường kéo dài từ 2-7 ngày. Hầu hết người bệnh sẽ hồi phục sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã chỉ ra những sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân nhiễm virus Dengue trở nặng thậm chí tử vong.
-Chủ quan không đi khám
Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.
Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
-Hết sốt là khỏi bệnh
Sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam…
Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.
-Chỉ mắc bệnh 1 lần trong đời
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. vì vậy có thể hiểu rằng một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.
Chia sẻ với Zing, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM), bổ sung thêm một số sai lầm trong cách chăm sóc và nhìn nhận về bệnh, nhiều người chủ quan khiến sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn, đó là:
-Dùng kháng sinh điều trị sốt xuất huyết
Tự ý uống hạ sốt liên tục, uống kháng sinh là sai lầm khá phổ biến khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Nguyên nhân là bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, không phải vi khuẩn. Do đó, kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh này.
Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh càng khiến người bệnh có nguy cơ chuyển nặng và biến chứng như xuất huyết, giảm tiểu cầu thậm chí rối loạn đông máu, từ đó khiến bệnh sốt xuất huyết bị chậm trễ điều trị.
- Cạo gió khi bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết thường xuất hiện những nốt đỏ như xuất huyết dưới da. Do đó, nhiều người, nhất là gia đình ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thói quen cắt lể, cạo gió để hút bớt máu độc ra ngoài. Đây là hành động nguy hiểm vì có thể gây tình trạng chảy máu khó cầm, nhiễm trùng.
- Kiêng tắm khi bị sốt xuất huyết
Việc kiêng tắm hoàn toàn là không nên, người bệnh vẫn có thể tắm gội với nước ấm, trong phòng kín gió. Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh được lau người bằng nước ấm cũng là cách hạ sốt.
Ngoài ra, người bệnh mới phát hiện sốt xuất huyết cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, ăn uống đa dạng, chú ý đồ dễ tiêu. Đặc biệt, khi bị sốt, người bệnh nên uống nhiều nước, bao gồm cả nước trái cây, dung dịch điện giải Oresol.
Người lớn hay trẻ em có thể dùng thuốc hạ sốt Paracetamol nhưng cần đúng liều lượng. Khi thấy những dấu hiệu như sốt cao không hạ, chân tay lạnh, vật vã, mệt mỏi li bì, đau bụng, nôn… cần lập tức đến cơ sở y tế.