Việc cần làm hàng ngày là phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng các biện pháp an toàn như không để muỗi sinh sản trong khu vực lân cận, ngủ trong màn, thoa thuốc và kem chống muỗi... Đặc biệt, bạn cần tránh 5 lầm tưởng phổ biến về căn bệnh này.
1. Sốt xuất huyết nhẹ hơn Covid-19
So sánh 2 bệnh khác nhau do 2 mầm bệnh khác nhau là vô nghĩa. Mức độ nghiêm trọng của cả 2 bệnh không bao giờ có thể so sánh, đánh giá cao hơn hay thấp hơn được. Covid-19 đã gây ra nỗi kinh hoàng toàn cầu dưới dạng đại dịch còn sốt xuất huyết xảy ra hàng năm, gây gánh nặng to lớn cho các cơ sở y tế và đe dọa tính mạng con người.
2. Sốt xuất huyết và Covid-19 không bao giờ có thể xảy ra đồng thời
Tại Singapore, có một số trường hợp ban đầu âm tính với sốt xuất huyết nhưng phải nhập viện do sốt dai dẳng. Kết quả chẩn đoán cuối cùng cho thấy họ nhiễm cả sốt xuất huyết lẫn Covid. Việc đồng nhiễm như vậy đã được tìm thấy ở Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và một số nơi khác.
3. Sốt xuất huyết không gây tử vong
Mọi người nên biết sốt xuất huyết còn gọi là bệnh sốt gãy xương. Cơn đau nó gây ra rất khủng khiếp. Sốt xuất huyết rất nguy hiểm và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề, gây hại lâu dài cho cơ thể nếu không được điều trị đúng lúc.
4. Sốt xuất huyết chỉ xảy ra một lần trong đời
Không! Bạn có thể bị nhiễm 4 lần và có thể lần thứ hai nặng hơn lần đầu. Có 4 loại huyết thanh của virus gây ra bệnh sốt xuất huyết và quan niệm cho rằng nhiễm bệnh sẽ cung cấp khả năng miễn dịch suốt đời chỉ đúng một phần. Mỗi lần nhiễm bạn chỉ có khả năng miễn dịch chống lại một chủng virus của sốt xuất huyết.
5. Chiết xuất lá đu đủ có thể trị sốt xuất huyết
Mặc dù người ta tin rằng nước ép lá đu đủ giúp cải thiện lượng tiểu cầu của người bệnh sốt xuất huyết nhưng khoa học đã chứng minh điều này là rất ít. Sốt xuất huyết là căn bệnh nghiêm trọng, đừng dựa vào những mẹo dân gian để trị bệnh. Hãy đến bệnh viện ngay lập tức và nhận trợ giúp y tế.
Những triệu chứng cần chú ý khi nhiễm sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết bắt đầu với đau đầu dữ dội, đau sau mắt, đau cơ và khớp, buồn nôn, nôn, sưng hạch và phát ban.
Trong một số trường hợp, tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng do huyết tương bị rò rỉ, tích tụ chất lỏng, suy hô hấp, chảy máu nghiêm trọng hoặc suy cơ quan. Bệnh nhân có các triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn mửa liên tục, thở nhanh, chảy máu lợi hoặc mũi, mệt mỏi, bồn chồn, gan to, có máu trong chất nôn hoặc phân.
(Theo India Times)