Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới ở sáng đầu tiên giãn cách ly xã hội
Bộ Y tế cho biết đến sáng 23/4, Việt Nam không nghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong ngày đầu tiên thực hiện nới giãn cách xã hội. Hôm nay cũng là ngày thứ 7 liên tiếp không có ca mắc Covid-19 mới, số ca bệnh cả nước vẫn là 268.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, liên tiếp 7 ngày qua Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19. Đây cũng là ngày đầu tiên nước ta thực hiện nới giãn cách xã hội với các địa phương trên toàn quốc.
Tổng số ca Covid-19 vẫn là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%); 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%).
Hà Nội cấm những dịch vụ nào sau khi giãn cách xã hội?
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông báo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố chiều 22/4. Việc dừng cách ly do Thủ tướng đã xếp Hà Nội vào nhóm "nguy cơ" thay vì "nguy cơ cao" như trước đây. Riêng hai huyện Mê Linh và Thường Tín vẫn ở nhóm "nguy cơ cao" bởi có ổ dịch chưa qua 14 ngày.
Theo ông Chung, các hoạt động kinh tế sẽ thực hiện theo chỉ thị 15 của Thủ tướng ban hành ngày 27/3. Thành phố vẫn cấm quán bar, karaoke, nhà hàng, quán game, trà đá, trà chanh tập trung đông người. Các lễ hội văn hóa, hoạt động thể thao đông người vẫn bị dừng.
Bên cạnh đó, Các hoạt động vận tải như xe bus, taxi, xe công nghệ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thành phố khuyến cáo tỷ lệ chuyên chở nhất định, không ngồi đủ số ghế. Các phương tiện cần chuẩn bị dung dịch rửa tay, sát khuẩn.
Các chủ cửa hàng ăn khi mở lại cần giữ khoảng cách, nên có tấm chắn giữa các khách hàng ngồi ăn. Trung tâm thương mại, siêu thị khi mở cửa đảm bảo các điều kiện phòng dịch, như: hướng dẫn khách đi một chiều vào, một chiều ra và tổ chức đo thân nhiệt, giữ khoảng cách.
Bộ GTVT đồng ý cho xe khách liên tỉnh được hoạt động từ 0h ngày 23/4
Tin tức mới nhất tối 22/4, Bộ Giao thông vận tải có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị triển khai quy định về tình hình hoạt động giao thông áp dụng từ 0h ngày 23/4.
Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục hạn chế vận chuyển hành khách, áp dụng các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch bệnh. Đối với vận tải hành khách liên tỉnh, trường hợp thay đổi về tần suất hoặc hạn chế điểm đến theo ý kiến của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với vận tải hành khách liên tỉnh: Xe tuyến cố định: chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến); Xe hợp đồng, xe du lịch: chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 xe/đơn vị kinh doanh vận tải).
Quảng Ninh cách ly xã hội đến 3/5
Đêm 22/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng ra công điện về tiếp tục duy trì các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo đó, do Quảng Ninh có biên giới trên bộ, trên biển giáp Trung quốc và hệ thống giao thông kết nối trong nước, quốc tế bằng đường bộ, đường biển và hàng không, vì vậy tỉnh "tiếp tục cách ly các hoạt động trong xã hội đến hết ngày 3/5".
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan "tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân...".