Nắng nóng đỉnh điểm, có nơi 39 độ C
Dự báo: Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên ngày 28/6, ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ; riêng khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 40 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ.
Khu vực Hà Nội: Ngày 28/6 có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ.
Cảnh báo: Đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ còn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 7.
Tác động của nắng nóng:
Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Ngày 28/6, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Bộ GTVT yêu cầu đình chỉ ngay các phi công Pakistan đang hoạt động ở Việt Nam
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có văn bản yêu cầu Cục Hàng không rà soát ngay số lượng phi công quốc tịch Pakistan và phi công người nước ngoài có bằng lái do Pakistan cấp.
Yêu cầu được đưa ra sau khi nhà chức trách hàng không Pakistan phát hiện hơn 250 phi công nước này sử dụng bằng lái máy bay giả.
Tất cả phi công đang làm việc cho hãng bay Việt Nam có quốc tịch Pakistan hoặc sử dụng chứng chỉ do Pakistan cấp đều bị cấm thực hiện nhiệm vụ bay ngay lập tức. Bộ GTVT yêu cầu rà soát, xác minh tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ của các phi công này.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng phải rà soát chứng chỉ của tất cả các phi công nước ngoài đang làm việc cho các hãng bay Việt Nam, xử lý các trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả mạo. Kết quả rà soát phải được báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 31/7.
4 người bơi qua sông, nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc sang Việt Nam
Ngày 27/6, Đồn Biên phòng Hải Hòa (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) đã bắt giữ 4 đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường biên giới.
Khoảng 3h15 ngày 27/6, tại khu vực mốc 1373 (2)-700, thuộc khu 9, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Tổ tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng Hải Hòa phối hợp tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ 4 người đang nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
4 đối tượng đều là người Việt Nam, gồm: Nguyễn Tiến Mạnh (28 tuổi, trú tại xã Trung Lương, H.Bình Lục, Hà Nam), Lại Ngọc Sơn (28 tuổi, trú tại xã Vũ Ninh, H.Kiến Xương, Thái Bình), Vũ Thị Thơm (46 tuổi, trú tại xã Quảng Minh, H.Hải Hà, Quảng Ninh) và Đặng Văn Lâm (29 tuổi, trú tại xã Mường Men, H.Vân Hồ, Sơn La).
4 người này sang Đông Hưng, Trung Quốc để làm thuê tại một xưởng gỗ, gần đây các lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, bắt giữ, xử lý người Việt Nam cư trú bất hợp pháp nên đã nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Khi vừa bơi đến bờ sông biên giới phía Việt Nam thì bị lực lượng biên phòng phát hiện, bắt giữ.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản vụ việc, đưa 4 người này đi kiểm tra y tế và thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung của TP.Móng Cái để phòng, chống dịch Covid-19.
Báo Anh: Bệnh nhân phi công có thể bay về quê nhà vào ngày 12/7
Ngày 27/6, báo BBC (Anh) có bài viết về tình hình chữa trị và chia sẻ của bệnh nhân 91 đang nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)/
Bài báo viết: Phi công 43 tuổi người Scotland phải dùng máy thở đến 68 ngày, lâu hơn bất kỳ bệnh nhân nào khác ở vương quốc Anh. Ông được điều trị tại TP HCM, nơi cách xa quê nhà Motherwell hàng ngàn dặm, mà không có bạn bè thân thích hay gia đình bên cạnh. Bệnh nhân 91 là ca mắc Covid-19 nặng nhất mà các bác sĩ Việt Nam phải chữa trị trong đại dịch.
Đất nước 95 triệu dân chỉ có hơn 300 trăm ca bệnh được xác nhận, trong đó có chưa đến 10 bệnh nhân phải vào khu chăm sóc tích cực và chưa có ai tử vong. Vì vậy, trường hợp cực hiếm của bệnh nhân 91 rất được quan tâm và được thông tin chi tiết trên báo chí và truyền thông trong nước.
Trong suốt thời gian hôn mê kéo dài 2,5 tháng, bệnh nhân 91 phải phụ thuộc vào máy ECMO (tim phổi nhân tạo), loại máy được dùng trong các trường hợp nguy kịch để duy trì sự sống.
Tuy nhiên, sau khi tỉnh lại, viên phi công nhận được rất nhiều cuộc gọi đẫm nước mắt từ bạn bè ở quê nhà, những người không nghĩ rằng ông có thể trở lại. Các bác sĩ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng phức tạp khi bệnh nhân 91 còn hôn mê. Máu của ông trở nên đặc quánh và trở thành huyết khối. Chức năng thận không hoạt động dẫn đến phải lọc máu và phổi chỉ hoạt động được 10%.
Khi phi công Scotland được lắp máy thở vào đầu tháng 4, trên thế giới mới có hơn 1 triệu ca Covid-19. Nhưng khi anh tỉnh dậy vào ngày 12/6, số ca nhiễm đã lên tới 7 triệu. Việt Nam đã tránh được tình trạng tồi tệ nhất. Từ 16/4, chưa có ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng.
Bệnh nhân sụt 20 kg và các cơ trở nên yếu ớt đến mức ông phải cố gắng mới có thể đưa chân lên vài cm. Phi công người Anh còn bị mệt mỏi và căng thẳng nghiêm trọng sau khi tỉnh dậy. Đó là chưa kể mối lo ngại ông có thể bị stress hậu chấn thương.
"Tinh thần của tôi đã chịu đựng rất nhiều. Ngay bây giờ, tất cả những gì tôi muốn làm là về nhà" - bệnh nhân chia sẻ.
Viên phi công dự kiến sẽ trở về Scotland trên chuyến bay ngày 12-7 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.