Nga biện hộ chuyện đưa chuyên gia quân sự đến Venezuela
Nga phát triển các mối quan hệ với Venezuela theo nguyên tắc "tuân thủ nghiêm ngặt hiến pháp của họ và tôn trọng luật pháp của họ" – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, khẳng định.
Cũng theo bà Zakharova, thỏa thuận hợp tác quân sự-kỹ thuật nói trên đã được cả Nga lẫn Venezuela phê chuẩn và nó "không cần thêm bất cứ sự phê duyệt nào từ Quốc hội Venezuela".
Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nghi vấn Nga "can thiệp" vào vấn đề nội bộ Venezuela. Theo sau thông tin 2 máy bay quân sự Nga chở khoảng 100 binh sĩ và hàng hóa hạ cánh bên ngoài thủ đô Caracas của Venezuela vào ngày 23-3, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ chỉ trích động thái này làm tổn hại chủ quyền của Venezuela. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định đây là một hành động gây leo thang căng thẳng đối với cuộc khủng hoảng Venezuela.
Tình hình căng thẳng ở Venezuela leo thang sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời và được Mỹ cùng nhiều quốc gia phương Tây ủng hộ. Tuy nhiên, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định ông Guaido là "con rối" của Mỹ và phải bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.
Chi tiết sống còn ngăn Boeing 737 Max 8 gặp nạn
Thiết bị mô phỏng chuyến bay đã tái tạo những tình huống được cho là dẫn đến hai tai nạn chết người của Boeing 737 Max 8 trong vài tháng qua và kết quả cho thấy các phi công có chưa đầy 40 giây để hủy bỏ hệ thống tự động trên các máy bay mới.
Ngày 10/3, lúc 8h30 sáng, một máy bay Boeing 737 Max 8 của Ethiopian Airlines gặp nạn ngay sau khi cất cánh từ Addis Ababa, Ethiopia khiến 157 người thiệt mạng. Theo Ethiopian Airlines, liên lạc với máy bay bị cắt đứt lúc 8h44, chỉ vài phút sau khi nó cất cánh.
Hồi tháng 10/2018, một máy bay Boeing 737 Max 8 do Lion Air vận hành đã đâm xuống biển Java chỉ vài phút sau khi cất cánh khỏi thủ đô Jakarta của Indonesia. Toàn bộ 189 hành khách thiệt mạng.
Trong cả hai vụ tai nạn trên, hệ thống kiểm soát chuyến bay mới của máy bay - Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay MCAS được cho là nguyên nhân.
MCAS ban đầu được thiết kế như một tính năng an toàn, nó được dùng vào mục đích đánh giá dữ liệu cảm biến và đẩy mũi máy bay chúc xuống nhằm ngăn máy bay chết máy trong trường hợp mũi máy bay hất quá cao.
Theo New York Times, hai nhân vật tham gia các cuộc thử nghiệm trong thời gian gần đây cho biết, "trong hoàn cảnh tương tự với chuyến bay của Lion Air, ba lần gài số trong 40 giây, gồm cả ấn nút tạm ngừng, sẽ khiến máy bay rơi vào tình trạng không thể hồi phục". Nói một cách khác, các phi công chỉ có khoảng 40 giây để làm hủy hệ thống MCAS của máy bay, khi nó bị kích hoạt do nhầm lẫn.
Máy bay Mỹ hạ cánh khẩn vì lỗi động cơ
Hãng thông tấn Reuters đưa tin cho hay Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) mới đây đã đưa ra thông báo một chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Southwest Airlines phải hạ cánh khẩn tại Florida do lỗi động cơ.
Theo đó, sự cố này xảy ra khi máy bay đang trên đường đi đến Victorsville, California để "nghỉ ngơi" sau lệnh tạm cấm bay từ đầu tháng này của Mỹ đối với dòng Boeing 737 Max 8.
Thông tin cho biết thêm, chuyến bay 8701 rời sân bay quốc tế Orlando ở bang Florida, Mỹ vào khoảng 14h30 phút ngày 26/3 theo giờ địa phương nhưng không lâu sau đó phải quay đầu.
May mắn lúc xảy ra sự cố, trên máy bay không chở theo hành khách.
Các nhà chức trách đang tiến hành điều tra nguyên nhân của sự cố.
Phía FAA khẳng định việc máy bay Southwest Airlines phải hạ cánh khẩn cấp không liên quan đến phần mềm chống các thiết bị dừng đột ngột có tên Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển (MCAS), một tính năng mới đang gây quan ngại về sự an toàn của Boeing 737 Max 8 sau hai tai nạn thảm khốc của dòng phi cơ này chỉ trong vòng 6 tháng qua.
Syria yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn về Cao nguyên Golan
Phái đoàn Syria tại Liên Hợp Quốc hôm 26/3 gửi thư yêu cầu chủ tịch Hội đồng Bảo an, vị trí hiện do Pháp nắm giữ, tổ chức cuộc họp khẩn để "thảo luận về tình hình Cao nguyên Golan của Syria đang bị chiếm đóng và sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an từ một quốc gia thành viên thường trực gần đây", theo AFP.
Yêu cầu được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/3 ký tuyên bố công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel, bất chấp các nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi Israel rút quân khỏi Golan.
Chủ tịch Hội đồng Bảo an chưa lên lịch cuộc họp khẩn cấp theo đề nghị của Syria, trong khi các nhà ngoại giao cho biết sẽ có một cuộc thảo luận tại hội đồng về yêu cầu này.
Hội đồng Bảo an dự kiến họp về vấn đề Cao nguyên Golan trong hôm nay để điều chỉnh nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được triển khai tại Cao nguyên Golan, hay còn gọi là Phái bộ Liên Hiệp Quốc về phân tách lực lượng trên Cao nguyên Golan (UNDOF).
Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan từ Syria trong chiến tranh Trung Đông 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các chính quyền trước đây của Mỹ luôn xem Golan là lãnh thổ bị chiếm đóng và việc trả lại sẽ được đàm phán như một phần của thỏa thuận hòa bình toàn diện giữa Israel và Syria.
Đặc phái viên Mỹ tới Trung Quốc bàn về vấn đề Triều Tiên
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, Trung Quốc luôn duy trì liên lạc chặt chẽ và điều phối các Chính sách với Mỹ liên quan về các vấn đề chung trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm của ông Stephen Biegun trùng với chuyến thăm của một quan chức cấp cao Triều Tiên tới Bắc Kinh. Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, quan chức Triều Tiên được cho là ông Ri Su Yong, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên ghé thăm Trung Quốc trên đường đến Lào.
Chuyến thăm Bắc Kinh của đặc phái viên Biegun diễn ra sau khi cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai kết thúc mà không có thỏa thuận. Hồi giữa tháng 3/2019, phái viên Biegun tuyên bố, mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên vào cuối nhiệm kì đầu tiên của Tổng thống Trump./.