Nga bác bỏ yêu cầu ‘rút quân khỏi Venezuela’ của Tổng thống Mỹ
Ngày 28/3, Điện Kremlin tuyên bố, Nga đã cho các chuyên gia đến Venezuela theo thỏa thuận hợp tác quân sự, đồng thời bác bỏ yêu cầu rút quân từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi đó, tại buổi họp báo hằng tuần vào ngày 28.3, nữ phát ngôn viên Maria Zakharova cho biết Moscow điều “các chuyên gia” đến Venezuela. “Nga sẽ không thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Nga không đe dọa bất kỳ ai, không giống giới chức Mỹ”, bà Zakharova lưu ý.
Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định chuyên gia và vũ khí của Nga được đưa đến Venezuela theo những hợp đồng quân sự ký kết từ trước. “Chúng tôi nghĩ rằng các quốc gia khác không nên lo ngại về mối quan hệ song phương giữa Nga và Venezuela”, ông Peskov nói. Theo ông Peskov, Nga không can dự vào vấn đề nội bộ Venezuela và Moscow kỳ vọng các quốc gia khác cho phép quốc gia Nam Mỹ này tự định đoạt số phận của họ.
Đáp lại, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết: “Tôi không chắc tôi tin những gì Nga tuyên bố”. Trước đó, Tổng thống Trump ngày 27.3 đã yêu cầu Moscow rút quân khỏi Venezuela, đồng thời nhấn mạnh ông vẫn chưa loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào quốc gia Nam Mỹ này.
Thế giới lo ngại trước thử nghiệm bắn rụng vệ tinh của Ấn Độ
Ấn Độ tuyên bố họ có khả năng phá hủy các vệ tinh đang bay trên quỹ đạo. Thông tin này ngay lập tức đã gây ra chấn động mạnh với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thông tin này vừa được khẳng định bởi Thủ tướng Ấn Độ - ông Narendra Modi. Để chứng minh cho khả năng của mình, Ấn Độ đã tự bắn một trong các vệ tinh của nước này bằng một tên lửa phóng lên từ Trái đất. Thử nghiệm cho thấy Ấn Độ đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chống vệ tinh (Anti satelite weapon - ASAT).
Ấn Độ đã phát triển hệ thống vũ khí chống vệ tinh của mình từ năm 2012. Kể từ đó đến nay, nước này liên tiếp thử nghiệm các vụ phóng tên lửa nhằm hoàn thiện khả năng của hệ thống vũ khí. Tuy vậy, vụ phóng tên lửa vừa qua là lần đầu tiên nước này thực sự bắn rơi một vệ tinh bằng tên lửa của mình.
Luật sư nộp đơn yêu cầu trả tự do cho Đoàn Thị Hương
Đoàn Thị Hương là nghi phạm trong vụ án nghi ám sát công dân Triều Tiên có tên trên hộ chiếu là Kim Chol tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia hồi tháng 2/2017. Theo AFP, các luật sư của Đoàn Thị Hương đã tiếp tục nộp đơn yêu cầu trả tự do cho cô lên Bộ Tư pháp Malaysia.
Trong đơn, các luật sư đề nghị Bộ trưởng Tư pháp xem xét lại việc ông ấy từ chối yêu cầu trả tự do trước đó. Các công tố viên dự kiến công bố quyết định xem xét yêu cầu này vào ngày 1/4.
Theo tin tức từ an ninh thủ đô, Dân Trí, chiều 28/3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi về việc bảo hộ công dân đối với công dân Đoàn Thị Hương trước phiên xét xử ở Malaysia vào ngày 1/4.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, đến nay, chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ công dân đối với công dân Đoàn Thị Hương.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã ba lần thăm lãnh sự đối với công dân Đoàn Thị Hương kể từ ngày 1/3/2019. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cũng đang làm thủ tục để thăm lãnh sự Đoàn Thị Hương một lần nữa trước phiên tòa 1/4/2019.
Vụ tấn công ĐSQ Triều Tiên không ảnh hưởng tới đàm phán hạt nhân Hà Nội
Theo các thông tin báo chí, vụ tấn công được cho là diễn ra vào ngày 22/2 tại đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid. Các hung thủ đã trói các nhân viên đại sứ quán, lục soát tòa đại sứ và bỏ chạy cùng với máy tính và các tài liệu sau đó 5 giờ đồng hồ. Trong số những kẻ đột nhập đại sứ quán có kẻ mang quốc tịch Mexico, Hàn Quốc và Mỹ.
Ngày 26/3 vừa qua, nhóm Free Joseon hay còn được biết đến là nhóm bảo vệ công dân, đã nhận trách nhiệm cho vụ tấn công này và cho biết họ đã chia sẻ các thông tin nắm giữ được tại đại sứ quán Triều Tiên với Cục điều tra liên bang Mỹ ( FBI).
Tiết lộ 2 lý do gây sốc có thể khiến máy bay MH370 'biến mất' bí ẩn
Ông Ghyslain Wattrelos là người có vợ và 2 đứa con có mặt trên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích bí ẩn hôm 8/3/2014 cho rằng, máy bay có lẽ đã vô tình bị bắn hạ.
Theo tiết lộ của ông Wattrelos với France 24 rằng dữ liệu từ công ty viễn thông Anh Inmarsat cho thấy máy bay phải đi qua 7 khu vực quân sự trước khi nó phát tín hiệu cuối cùng với vệ tinh ở Ấn Độ Dương.
“Nếu nhìn vào đường bay, có ít nhất 7 nước và 7 quân đội đáng lẽ phải nhìn thấy chiếc máy bay đó” - tờ Express dẫn lời ông Watterlos nói.
Dựa theo phân tích này, ông Wattrelos nhận định có 2 giả thuyết về lý do MH370 “bị bắn rơi”.
"Một là có thứ gì đó hoặc có ai đó không thể đặt chân xuống Bắc Kinh. Hai là máy bay có dấu hiệu bị khủng bố nên quân đội muốn ngăn chặn thảm họa tương tự như vụ 11/9 ở Mỹ”, ông Wattrelos đưa ra 2 giả thuyết.
Hồi năm ngoái, ông Wattrelos xuất bản cuốn sách ở Pháp về máy bay MH370 mất tích. Trong cuốn sách, Wattrelos khai thác các giả thuyết và âm mưu có thể liên quan đến việc che giấu sự thật về máy bay.Phía Mỹ đã phủ nhận mọi sự liên quan.