Tin tức thời sự thế giới 24h: Dân quân Trung Quốc bị nghi chiếu laser vào phi công Úc tại Biển Đông
Những nguồn tin quốc phòng nói với đài ABC rằng các trực thăng Úc đã bị nhắm mục tiêu khi bay đêm, buộc các phi công phải tạm thời quay lại tàu để kiểm tra y tế. Nhà đài đã không nêu chi tiết tại sao các phi công phải kiểm tra và cách thức máy bay bị nhắm mục tiêu.
Những cuộc tấn công bằng laser này được cho là xuất phát từ các tàu đánh cá. Nhưng ABC cho biết vẫn chưa xác nhận chính xác liệu các tàu này có gắn cờ Trung Quốc hay không. Giới phân tích cho biết Trung Quốc đang vận hành một đội dân quân biển bao gồm các tàu cá để thực hiện nhiệm vụ tại Biển Đông.
Các tàu chiến Úc đã thực hiện một nhiệm vụ kéo dài nhiều tháng tại châu Á và kết thúc trong tuần này. Hải quân Úc đã tiến hành các cuộc tập trận chung tại Biển Đông cùng những nước khác, trong đó có Mỹ. Hiện Bộ Quốc phòng Úc chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.
Trung Quốc đòi yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông giàu tài nguyên, bất chấp những bằng chứng chủ quyền không thể chối cãi từ các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Bắc Kinh đã trở nên quyết đoán hơn trong khu vực, gây căng thẳng với những bên tranh chấp khác tại Đông Nam Á cũng như Canberra và Washington.
Tin tức thời sự thế giới 24h: Phản ứng của Iran khi Trump vừa dịu giọng
Phát biểu của Thiếu tướng Hossein Salami, phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông không tìm cách thay đổi chế độ tại Tehran. Ông Trump cũng nói rằng một thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran là điều có thể.
"Chúng tôi có thể... rút cạn khả năng chiến tranh của kẻ thù. Các bạn thấy sự suy giảm và xuống nước trong bài phát biểu của kẻ thù", ông Salami nói, ám chỉ tới những nhận xét của Tổng thống Mxy trong chuyến thăm Nhật Bản. "Ngày nay, Iran là một cường quốc tuyệt đối tại khu vực, do đó, nó không phải sợ những lời đe dọa của kẻ thù. Ngày nay, Mỹ đã bị đánh bại trong triết lý chính trị của chính mình".
Ông Trump đã dịu giọng khi nói về Iran. Ông tin rằng Iran muốn có một thỏa thuận, tin rằng đó là tác dụng của những lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề mà Mỹ dùng chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo. "Chúng tôi không tìm kiếm sự thay đổi chế độ, tôi chỉ muốn làm rõ điều đó. Chúng tôi đang tìm kiếm không vũ khí hạt nhân".
Tin tức thời sự thế giới 24h: Tập Cận Bình: Trung Quốc không tìm kiếm 'phạm vi ảnh hưởng' tại Thái Bình Dương
Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ các nước đang phát triển, bao gồm cả những quốc gia ở Thái Bình Dương, Reuters đưa tin. Nhiều nước coi việc vay vốn Trung Quốc là cách tốt nhất để phát triển kinh tế. Các nhà phê bình cho rằng các khoản vay của Trung Quốc có thể khiến những nước này rơi vào bẫy nợ, tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận điều đó.
Mỹ và Úc đã đặc biệt quan ngại khi vai trò của Trung Quốc tại Thái Bình Dương ngày càng tăng lên. Thủ tướng Úc Scott Morrison sẽ tới thăm quần đảo Solomon vào tuần tới.
Ông Tập đã gặp Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh và nói rằng Trung Quốc đề các các nguyên tắc chân thành, kết quả thực sự và sự tin cậy để tăng cường hợp tác với các quốc đảo ở Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố hôm 28/5. "Chúng tôi không có lợi ích riêng tại các quốc đảo và không tìm kiếm cái gọi là "phạm vi ảnh hưởng", Bộ Ngoại giao diễn giải những lời ông Tập.
"Trung Quốc sẽ luôn là một người bạn và đối tác tốt đáng tin cậy. Các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo đều là những thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế", ông Tập nói.
Ông Tập cho biết Trung Quốc cũng phản đối "chủ nghĩa sô vanh quyền lực vĩ đại" nhưng không nêu cụ thể.
Tin tức thời sự thế giới 24h: Mỹ: Toàn bộ chương trình WMD của Triều Tiên vi phạm nghị quyết LHQ
"Tôi nghĩ toàn bộ chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Triều Tiên trái với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng những gì mà Mỹ tập trung vào ở đây là cố gắng để đàm phán một kết thúc hòa bình cho chương trình WMD của Triều Tiên", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói với các phóng viên.
Bà Ortagus đã được yêu cầu làm rõ quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump có mâu thuẫn với cố vấn an ninh quốc gia John Bolton về việc các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong tháng này vi phạm nghị quyết của LHQ hay không.
Ngày 25/5, ông Bolton nói rằng "không nghi ngờ" việc các vụ phóng vi phạm nghị quyết LHQ vì chúng có cả những tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Bà Ortagus cho biết Bộ Ngoại giao vẫn chưa công khai những đánh giá của mình về việc liệu các vụ phóng có liên quan tới tên lửa đạn đạo hay không. Tuy nhiên, ngày 9/5, Lầu Năm Góc cho biết những vụ phóng của Triều Tiên ngày hôm đó bao gồm nhiều tên lửa đạn đạo bay quá 300km.
Trong suốt chuyến thăm Nhật Bản hôm 27/5, Tổng thống Trump đã ám chỉ quan điểm của ông Bolton và nói ông không đồng ý. "Người của tôi nghĩ rằng đó có thể là một sự vi phạm... Tôi thì có quan điểm khác", ông Trump nói. Tổng thống Mỹ cho biết thêm lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có lẽ muốn "gây chú ý". Trump nhấn mạnh rằng "không có vụ thử hạt nhân nào, không có tên lửa đạn đạo nào bay đi, không có tên lửa tầm xa nào bay đi" và nói thêm rằng một ngày nào đó có thể sẽ có một thỏa thuận cùng với Triều Tiên để chấm đứt chương trình hạt nhân.
Tin tức thời sự thế giới 24h: Huawei yêu cầu tòa án Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm mua thiết bị
Song Liuping, trưởng phòng pháp chế tập đoàn Huawei, hôm nay cho biết công ty Trung Quốc này đã nộp kiến nghị lên tòa án liên bang Mỹ ở Plano, Texas, yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm các cơ quan chính phủ liên bang mua sản phẩm của Huawei.
Lệnh cấm mà Song đề cập là Điều 889 trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi tháng 8/2018, trong đó yêu cầu các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ không mua thiết bị và dịch vụ từ Huawei hay hợp tác với bên thứ ba là khách hàng của tập đoàn Trung Quốc này.
"Đạo luật này áp đặt nhiều hạn chế đối với Huawei", Song nói. "Hy vọng tòa án Mỹ sẽ tuyên bố lệnh cấm Huawei là vi hiến và cấm thực thi". Huawei lập luận rằng lệnh cấm được nêu trong Điều 889 của NDAA là vi hiến khi "trừng phạt một người hoặc một nhóm mà không cần xét xử".
"Chính phủ Mỹ không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh. Chẳng có lửa, cũng không có khói, chỉ toàn là suy đoán", Song nói. "Huawei tin vào sự độc lập và toàn vẹn của hệ thống tư pháp Mỹ và hy vọng tòa án sẽ sửa chữa những sai lầm trong NDAA".
Đơn kiến nghị này của Huawei đề nghị thẩm phán tòa án liên bang ra "quyết định tóm lược" nhằm nhanh chóng giải quyết khiếu nại của họ dựa trên những thông tin đã được cung cấp mà không cần phải trải qua tiến trình xét xử đầy đủ.
Đơn kiến nghị này được đưa ra gần ba tháng sau khi Huawei nộp đơn kiện chính phủ Mỹ trong nỗ lực đảo ngược lệnh cấm liên bang đối với thiết bị mạng của họ. Các động thái trên mặt trận pháp lý của Huawei ở tòa án Mỹ cho thấy tập đoàn này sẵn sàng sử dụng mọi phương thức để ngăn nguy cơ bị gạt khỏi cuộc đua xây dựng mạng 5G trong tương lai.