Tin tức thời sự thế giới 24h: B-52, tàu sân bay Mỹ tập trận mô phỏng tấn công sát Iran
Thông báo của Không quân Mỹ cho biết tàu sân bay USS Abraham Lincoln, các máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay ném bom chiến lược B-52 đã tiến hành cuộc tập trận chung tại biển Ả rập gần Iran hôm 1/6.
Không quân Mỹ cho biết cuộc tập trận “mô phỏng các chiến dịch không kích” với sự tham gia của các trực thăng và máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet, MH-60 Sea Hawk và E-2D Growler được phóng từ tàu sân bay USS Abraham Lincoln.
Máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa B-52 cũng được triển khai tham gia cuộc tập trận tại biển Ả rập cùng tàu sân bay và máy bay quân sự của Mỹ cuối tuần qua. Trước đó, ngày 17-18/5, tàu sân bay USS Abraham Lincoln và tàu tấn công đổ bộ USS Kearsage cũng tập trận tại khu vực hoạt động của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ trên biển Ả rập.
Tin tức thời sự thế giới 24h: Quan chức cấp cao Triều Tiên tái xuất cùng Kim Jong-un
Ngày 3/6, hãng KCNA của Triều Tiên đưa tin ông Kim Jong-un cùng vợ, bà Ri Sol-ju và ông Kim Yong-chol nằm trong số "những quan chức hàng đầu" tham dự một buổi biểu diễn nghệ thuật nghiệp dư do vợ các quan quân đội thực hiện. Kim Yong-cho là quan chức thứ 10 trong số 12 người được đề cập đến trong bài báo.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin không xác định của Triều Tiên ngày 31/5 đưa tin ông Kim Yong-chol, cánh tay phải của Kim Jong-un, đối tác của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội đã bị đưa tới một trại lao động cải tạo ở tỉnh Jagang, gần biên giới Trung Quốc. Ngày 2/6, khi được hỏi về lần liên lạc cuối cùng của Mỹ với ông Kim Yong-chol và Triều Tiên, ông Pompeo đã từ chối trả lời: "Chúng tôi đã tiến hành các cuộc đàm phán riêng tư".
Là người dẫn đầu trong các cuộc đàm phán hạt nhật của Kim Jong-un với Mỹ, Kim Yong-chol rõ ràng đã bị phê bình sau khi hội nghị thượng đỉnh thất bại. Ông bị xóa khỏi vị trí chủ chốt của đảng, một nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết hồi tháng 4. Kim Yong-chol đứng sau Kim Jong-un trong bức ảnh chính thức công bố từ phiên họp của Quốc hội Triều Tiên nhưng không đi cùng ông Kim trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuối tháng đó.Quan chức cấp cao Triều Tiên tái xuất cùng Kim Jong-un
Trung Quốc đe Mỹ tại Shangri-La: ‘Muốn bắt nạt chúng tôi ư? Không đời nào!’
Tuyên bố trước các đại biểu dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 2/6, Tướng Ngụy Phượng Hòa nói Bắc Kinh sẽ không để mất một tấc lãnh thổ và bất cứ sự can thiệp nước ngoài nào cũng sẽ chịu thất bại, CNN đưa tin. Ông Ngụy đặc biệt nhắc tới Mỹ và Đạo luật Quan hệ Đài Loan của nước này. Đạo luật ra đời năm 1979 cho phép Washington cung cấp vũ khí quốc phòng cho chính quyền Đài Bắc và giúp bảo vệ hòn đảo khỏi sự xâm lược.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh của mình. Hai khu vực bị chia cắt sau cuộc nội chiến năm 1949 và Mỹ chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh.
"Làm thế nào mà Mỹ lại có thể ban hành một đạo luật can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc? Có ý gì trong đó không?", ông Ngụy đặt câu hỏi. Ông đã dẫn ra việc Abraham Lincoln đấu tranh để giữ cho Mỹ được thống nhất trong nội chiến: "Không một quốc gia nào trên thế giới chịu đựng được sự ly khai. Mỹ không thể chia cắt và Trung Quốc cũng vậy".
Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại hội nghị này một ngày sau khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ "trật tự dựa trên quy tắc" để chiếm được lòng tin của cộng đồng quốc tế hoàn toàn. Nhưng ông Ngụy cho biết Trung Quốc chỉ đang thực hiên jcacs biện pháp để đảm bảo sự thịnh vượng và một cuộc sống tốt hơn cho tất cả những bên liên quan. "Trung Quốc chưa bao giờ kích động chiến tranh hay xung đột, chiếm đất hoặc xâm lược một quốc gia khác. Trung Quốc chưa bao giờ săn tìm các nước khác. Và chúng tôi cũng không để các nước khác săn tìm hay chia rẽ chúng tôi".
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc còn đổ lỗi cho Washington về cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra. "Đối với những xích mích thương mại gần đây do Mỹ châm ngòi, nếu Mỹ muốn đàm phán, chúng tôi sẽ giữ cho cánh cửa mở. Nếu họ muốn chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến cho tới cùng. Bắt nạt chúng tôi ư? Không đời nào".
Tin tức thời sự thế giới 24h: Mỹ chuyển giao UAV hiện đại cho Việt Nam
Công ty con của Boeing Insitu Inc đã được trao hợp đồng 47.930.791 USD sản xuất 34 máy bay không người lái ScanEagle cho chính phủ Malaysia (12 chiếc), Indonesia (8 chiếc), Philippines (8 chiếc) và Việt Nam (6 chiếc), Defenseworld dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngoài ra, hợp đồng này còn cung cấp trọng tải dự phòng, phụ tùng, thiết bị hỗ trợ, dịch vụ kỹ thuật, đào tạo và các đại diện dịch vụ hiện trường. Việc chế tạo sẽ được thực hiện tại Bingen, Washington (77%) và nhiều địa điểm khác ở Malaysia (9%), Philippines (5%), Việt Nam (5%) và Indonesia (4%) và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2022.
Bản thông cáo cũng nêu chi tiết chi phí của mỗi chính phủ: Malaysia 19.329.334 USD, Philippines 9.633.665 USD, Việt Nam 9.770.120 USD và Indonesia 9.197.672 USD.
Máy bay không người lái Boeing Insitu ScanEagle là một UAV nhỏ, có thời gian hoạt động trên cao ngắn, bay được trên 20 giờ và được sử dụng cho hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát chiến trường ở cả trên mặt đất lẫn trên biển. Một hệ thống ScanEagle bao gồm 4 thiết bị bay, trạm điều khiển mặt đất, thiết bị đầu cuối video từ xa và các hệ thống phóng thu hồi. Những UAV này mang theo một camera quan điện hoặc hồng ngoại ổn định trên hệ thống tháp pháo quán tính hạng nhẹ. Nó cũng có thể mang một radar có khẩu độ tổng hợp thu nhỏ.
Tin tức thời sự thế giới 24h: TQ phản bác cáo buộc sửa văn bản thỏa thuận vào phút chót
Trung Quốc đã lên tiếng đổ hoàn toàn trách nhiệm cho Mỹ về sự sụp đổ của các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên, nhưng tỏ ra sẵn lòng nối lại hoạt động thương thảo trong khi khước từ nhượng bộ.
Trong Sách Trắng về lập trường chính thức của Trung Quốc liên quan tới đàm phán thương mại vừa được công bố hôm 2/6, Bắc Kinh nêu rõ: Chính quyền Mỹ "phải chịu hoàn toàn trách nhiệm" về tình trạng bế tắc hiện tại và lên tiếng phản bác trước cáo buộc Bắc Kinh đi ngược lại những cam kết đã đưa ra trước đó.
Cụ thể, liên quan tới cáo buộc Trung Quốc thay đổi ngôn từ trong văn bản thỏa thuận sau vòng đàm phán cuối cùng, Sách Trắng của nước này cho rằng, việc đưa ra đề xuất mới và điều chỉnh khi các cuộc đàm phán tiến triển - việc mà Mỹ liên tục làm - là "chuyện bình thường".
"Chính quyền Mỹ càng đề xuất thì họ lại càng muốn nhiều hơn", tài liệu của phía Bắc Kinh nhấn mạnh, Mỹ kiên quyết đưa ra những "đòi hỏi mang tính ép buộc liên quan tới chủ quyền của Trung Quốc".
Trong buổi họp báo hôm 2/6, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho rằng việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc đi ngược lại các cam kết là "vô trách nhiệm".
Trong khi đó, theo Sách Trắng, Bắc Kinh vẫn duy trì "cam kết vào những cuộc tham vấn uy tín dựa trên sự bình đẳng và lợi ích lẫn nhau" nhưng sẽ "không nhượng bộ đối với các vấn đề nguyên tắc".