Tin tức thời sự thế giới 24h: Triều Tiên tố Mỹ có 'tham vọng xấu xa', muốn dùng vũ lực
Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 29/5 đã lặp lại những khiếu nại về một chiến dịch trừng phạt đang diễn ra của Mỹ, trong đó có vụ tịch thu một trong những tàu chở hàng lớn nhất cuả nước này. Tuyên bố củabộ này cũng cảnh báo rằng "việc sử dụng sức mạnh không phải là độc quyền của Mỹ".
Tuyên bố, được cho là của Giám đốc Nghiên cứu Chính sách thuộc Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ, lưu ý rằng Mỹ đã tiến hành một vụ thử hạt nhân cận lâm sàng vào ngày 13/2, chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Kim - Trump lần hai diễn ra. "Vì vậy, Mỹ đã thể hiện ý định thầm kín của mình đó là tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề dựa trên vũ lực, mặc dù bên ngoài họ ủng hộ đối thoại".
Tuyên bố cũng cáo buộc cố vấn an ninh quốc gia của Trump, John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng các quan chức cấp cao khác của Mỹ "xúc phạm đến phẩm giá của lãnh đạo tối cao và nói ra những lời lăng mạ" khi gọi Triều Tiên là "chế độ lừa đảo". Các quan chức Mỹ có "một kế hoạch thù địch để kìm hãm chúng ta bằng vũ lực", Washington sẽ "thay đổi con đường" nếu Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân, tuyên bố cảnh báo.
Tin tức thời sự thế giới 24h: Lãnh đạo Tối cao Iran: ‘Không đàm phán với Mỹ’
Website của Lãnh đạo Khamenei dẫn lời ông: "Trước đây chúng tôi đã nói là sẽ không đàm phán với Mỹ, bởi đàm phán không mang lại lợi ích gì, chỉ mang đến tác hại". Ông Khamenei cho biết Iran không gặp vấn đề gì khi đàm phán với người châu Âu và các nước khác. "Chúng tôi sẽ không đàm phán về các giá trị cốt lõi của cuộc cách mạng. Chúng tôi sẽ không đàm phán về khả năng quân sự của mình", ông nói thêm.
Trước đó một ngày, Tổng thống Rouhani đã thể hiện lập trường tích cực hơn. Trong bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, ông nói: "Khi nào họ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt bất công và thực hiện những cam kết của mình, quay trở lại bàn đàm phán mà họ đã tự rời bỏ thì cánh cửa không bị đóng lại. Người của chúng tôi đánh giá các bạn bằng hành động chứ không phải lời nói của các bạn".
Khamenei là người có tiếng nói cuối cùng đối với tất cả những chính sách lớn trong hệ thống kép của Iran. Ông cũng là người đứng đầu lực lượng vũ trang nước này.
Ngày 28/5, người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói rằng Iran không thấy triển vọng trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Tin tức thời sự thế giới 24h: Tướng Mỹ nói ông Tập 'hứa suông' về quân sự hóa Biển Đông
Phát biểu tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington hôm 29/5, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford nói rằng vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng hứa sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
"Những gì chúng ta thấy ngày nay là đường băng hơn 3.000 m, kho chứa đạn, việc triển khai thường xuyên các hệ thống phòng thủ tên lửa, khí tài trên không và nhiều thứ khác. Quá rõ ràng là họ đã không thực hiện cam kết đó", tướng Dunford cho hay.
Theo ông, Trung Quốc gần đây giảm tốc độ xây đảo nhân tạo phi pháp và các hoạt động có liên quan khác nhưng không phải để thực hiện cam kết, mà bởi Bắc Kinh tin rằng công việc của họ đã hoàn tất, ít nhất cho đến thời điểm này. "Trong những tháng gần đây, các khí tài triển khai không được tăng lên, tôi cho rằng là bởi các đảo bây giờ đã phát triển đến mức đủ khả năng quân sự như Trung Quốc mong muốn", Dunford nói.
Tướng Mỹ cũng cho rằng nếu Trung Quốc có bất kỳ hành động mở rộng quân sự nào trong tương lai ở Biển Đông, các nước cần phản ứng bằng hành động tập thể rõ ràng và mạch lạc. "Tôi không đề cập đến một phản ứng quân sự. Nhưng chắc chắn có những bước đi ngoại giao và kinh tế có thể khiến họ phải chịu trách nhiệm", Dunford cho biết.
Tuyên bố được đưa ra giữa lúc truyền thông Australia đưa tin các phi công quân sự nước này bị chiếu tia laser trong khi thực hiện nhiệm vụ bay đêm trên Biển Đông và phải quay về tàu để kiểm tra sức khỏe. Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington chưa đưa ra bình luận về cáo buộc chiếu laser hay phát biểu của tướng Dunford.
Tin tức thời sự thế giới 24h: Trung Quốc tố Mỹ 'khủng bố kinh tế, giết người bằng kinh tế'
Phát biểu trước các phóng viên tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Zhang Hanhui nói rằng Trung Quốc phản đối việc sử dụng "những cây gậy lớn" như các đòn trừng phạt kinh tế, thuế quan và bảo hộ. "Chúng tôi phản đối một cuộc chiến thương mại nhưng không sợ chiến tranh thương mại. Việc kích động tranh chấp thương mại có bàn bạc kỹ lưỡng như thế này là khủng bố kinh tế hiển nhiên, giết người bằng kinh tế, bắt nạt kinh tế", ông Zhang nói khi được hỏi về cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Mọi người đều thua trong cuộc chiến thương mại, ông nói thêm trong cuộc họp ngắn về chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga trong tuần tới. Tại đó, ông Tập sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và phát biểu tại một diễn đàn đầu tư lớn ở St Petersburg. "Cuộc xung đột thương mại này sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng tới sự phát triển và phục hồi kinh tế toàn cầu", ông Zhang nói thêm.
Đề cập tới Trung Quốc và Nga, ông Zhang nói: "Chúng tôi chắc chắn sẽ đối phó đúng đắn với mọi thách thức bên ngoài, làm tốt công việc của mình, phát triển kinh tế và tiết tục nâng cao mức sống của người dân hai nước. Đồng thời, chúng tôi tự tin, kiên quyết và khả năng để bảo vệ chủ quyền, an ninh, sự tôn trọng và lợi ích phát triển của đất nước".
Tin tức thời sự thế giới 24h: Cuộc chiến thương mại Mỹ áp đảo Nhật hơn 30 năm trước
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/5 đáp xuống Nhật Bản giữa lúc căng thẳng thương mại với Trung Quốc, ông có thể nhớ về một thời kỳ cạnh tranh kinh tế khốc liệt giữa Washington và Tokyo hơn 30 năm trước.
Vào thập niên 1980, Nhật Bản phát triển vượt bậc, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến không ít người ở Washington lo ngại ngôi vị số một của Mỹ có thể bị tước mất.
Những bài báo về sự đe dọa kinh tế của Nhật Bản đối với Mỹ liên tục được đăng, khi các doanh nghiệp Nhật không ngừng mua lại hàng loạt công ty Mỹ. Các nghị sĩ và giới phê bình ở Washington cảnh báo về thâm hụt thương mại ngày càng tăng giữa hai nước, đồng thời phàn nàn về việc các công ty Nhật ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và lợi dụng những thỏa thuận thương mại không công bằng.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1989, Trump, khi đó là một doanh nhân, cho rằng Nhật Bản đang "hút máu nước Mỹ". "Đó là một vấn đề lớn, một vấn đề sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn", ông nói, đề cập tới cán cân thương mại Mỹ - Nhật. "Và họ đang cười vào mặt chúng ta".
Những lời cảnh báo này buộc chính quyền tổng thống Ronald Reagan, người lên nắm quyền năm 1981, có các hành động gia tăng áp lực buộc Nhật phải mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ và giảm tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước.