(Tinmoi.vn) Trung Quốc đang cố gắng mở rộng lãnh hải của mình, chèn ép những quốc gia nhỏ tại khu vực.
Trong bài viết với tựa đề “Chinese chequers in south china sea” (Ván cờ của Trung Quốc trên Biển Đông) đăng trên tờ Telegraphindia ngày 15/7/2014, ông Pinak Ranjan Chakravarty, một cựu bộ trưởng của Ấn Độ đã lật tẩy toàn bộ mưu đồ của Trung Quốc tại Biển Đông. Dưới đây là nội dung bài viết được đăng tải:
Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã tổ chức tiếp đón Tổng thống Myanmar U Thein Sein và Phó Tổng thống Ấn Độ, Mohammad Hamid Ansari tại lễ kỷ niệm 60 năm ký hiệp định Panchsheel vào cuối tháng 6 tại Bắc Kinh. Vào năm 1954, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar đã cùng thống nhất đồng ý với “5 Nguyên tắc chung sống hòa bình” hay còn được gọi là hiệp định Panchsheel – tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác, bình đẳng, cùng hưởng lợi và chung sống hòa bình. Tại sao Trung Quốc lại phải dựng lên những tiêu chí về chính trị và ngoại giao trong Panchsheel để mê hoặc Ấn Độ và Myanmar, 2 nước láng giềng ngay sát sườn của mình bằng những từ ngữ nghe êm tai? Câu trả lời nằm trong sự phát triển của Đông Á, nơi mà Trung Quốc đang bị lôi kéo vào những cuộc tranh chấp nghiêm trọng, đặc biệt là những tuyên bố chủ quyền vô lý của họ tại khu vực rộng lớn trên Biển Đông.
Trong khi muốn thâu tóm toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc đã bất chấp mọi tuyên bố chủ quyền khác từ phía Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Gần đây nhất, Trung Quốc đã đưa giàn khoan dầu Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trị giá 1 tỷ USD đến vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động đơn phương của Trung Quốc đã đẩy căng thẳng tại Biển Đông leo thang. Không chỉ Việt Nam mà cộng đồng thế giới đều lên tiếng chỉ trích hành động hung hăng của Bắc Kinh tại khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép trong thời gian qua.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu trị giá hàng tỷ đô đến khu vực này không đơn giản là khoan thăm dò dầu mà còn vì lý do chính trị bởi không có dấu hiệu phát hiện ra dầu tại đây. Rõ ràng, Trung Quốc đã đề ra mục tiêu “đóng dấu” cho các tuyên bố chủ quyền của mình và muốn tăng cường tính pháp lý cho các tuyên bố của mình bằng một vật cụ thể được cắm trên “đất” – “lãnh thổ xanh” mà Trung Quốc dùng để gọi vùng biển tranh chấp. Trung Quốc đã triển khai hàng trăm tàu thuyền, máy bay ra để bảo vệ giàn khoan. Trong khi không có xung đột súng đạn nào xảy ra, Việt Nam đã công bố những đoạn video cho thấy tàu Trung Quốc đâm va và sử dụng vòi rồng để tấn công tàu thuyền Việt Nam.
Trong các cuộc giao tranh, một tàu cá của ngư dân Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm, mặc dù không có thiệt hại nào về sinh mạng. Giàn khoan dầu vẫn còn đó và các kỹ sư Trung Quóc bắt đầu khoan thăm dò dưới sự giám sát của tàu thuyền và lực lượng chức năng Việt Nam. Mùa mưa bão sắp tới và tới tháng 8, giàn khoan này sẽ được rút về, theo kế hoạch. Tuy nhiên, mới đây, giàn khoan Hải Dương 981 đã được dịch chuyển ra khỏi vị trí ban đầu.
Nhưng, Trung Quốc đã không nhượng bộ khi tiếp tục đưa một giàn khoan mới tên Nam Hải 09 tới gần vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 hoặc đi sâu xuống phía đông nam của Biển Đông, tới Bãi Cỏ Rong – khu vực hứa hẹn nhiều dầu khí nằm trong vùng nước nông giữa Philippines và hàng chục các rạn san hô cùng đảo nhỏ tạo thành quần đảo Trường Sa.
Manila đã cho phép công ty Philex Petroleum bắt đầu khoan thử nghiệm tại bãi cỏ rong từ năm 2015.
Những vùng nước sâu ngoài khơi Việt Nam, nơi đặt giàn khoan Hải Dương 981 cũng đã được hãng Exxon-mobil phát hiện dấu hiệu của dầu khí nằm phía trên tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam. Khánh Hòa được coi là nơi có triển vọng về dầu khí thứ hai tại Biển Đông.
Việc di dời giàn khoan là cách mà Trung Quốc gây áp lực để chiếm đoạt nguồn năng lượng xa bờ trước sự phản đối từ các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam. Ngay cả khi Trung Quốc phát hiện dầu khí có thể kinh doanh được thì vẫn chưa rõ họ sẽ làm thế nào để vận chuyển về nước nếu Việt Nam tiếp tục phản đối, và điều này là chắc chắn?
10 nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam đã bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông từ năm 1992. Trung Quốc liên tục cố chia rẽ các nước ASEAN. Năm 2012, Trung Quốc đã thành công khi tạo ra một vết rạn nứt trong nội bộ ASEAN sau khi Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough – nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Sau đó, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc CNOOC một lần nữa công bố đấu thầu các lô dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khi Philippines và Việt Nam đề nghị ASEAN ra tuyên bố chung về đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, Campuchia đã phủ quyết, cúi mình trước sức mạnh kinh tế và khả năng hối lộ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong thời gian này, ASEAN đã ra tuyên bố đặc biệt chỉ trích các diễn biến trên Biển Đông. Sau vụ việc này, Trung Quốc khó lòng gây áp lực cho ASEAN bắt họ phải đồng ý với các quy tắc ứng xử trên Biển Đông (quy tắc mà Trung Quốc tham gia) để ủng hộ Bắc Kinh.
Việt Nam vốn không thể đối đầu với Trung Quốc về quân sự nên đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh mở rộng các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Bắc Kinh đáp lại thiện chí này bằng điều kiện: sẽ đàm phán nếu Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Hải Dương 981 được hạ đặt và nơi đội tàu hộ tống được triển khai cùng. Cuối cùng, Trung Quốc đã gửi Ủy viên Hội đồng nhà nước, Dương Khiết Trì, cựu Bộ trưởng Ngoại giao tới Hà Nội để đàm phán vào ngày 18/6. Ông Dương cũng đã chủ trì cuộc họp hàng năm của Ban chỉ đạo hợp tác Việt-Trung. Vài năm trước, tại một cuộc họp ASEAN, ông đã để mất bình tĩnh và nhắc nhở rằng “Trung Quốc là một nước lớn, còn nước các quý vị là nước nhỏ, đó là một thực tế”.
Các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam rõ ràng không tiến triển, rơi vào bế tắc và điều đó được phương tiện truyền thông 2 nước phản ánh rất rõ. Ông Dương Khiết Trì đã cảnh báo việc Việc Nam phản đối giàn khoan và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.
Trong khi đó, các chuyên gia Trung Quốc và Việt Nam đang thi nhau giải thích công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Phía Trung Quốc cho rằng công hàm này đã đơn phương công nhận tuyên bố chủ quyền của mình. Các chuyên gia Việt Nam đã bác bỏ cách giải thích này. Tranh chấp có dấu hiệu sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Bất ngờ trước hành động mới nhất của Trung Quốc, Việt Nam đang xem xét việc dùng các hành động pháp lý chống lại Trung Quốc giống Philippines hoặc cùng với Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế The Hague.
Điều này chắc chắn sẽ phản tác dụng với Trung Quốc bởi Bắc Kinh luôn muốn đàm phán song phương để giải quyết vấn đề với từng quốc gia theo chiến thuật lát cắt salami.
Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Philippines và Việt Nam quyết tâm phản đối hành vi vi phạm pháp luật của Trung Quốc và kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án mạnh mẽ Trung Quốc, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt vi phạm ngay lập tức.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á tại Manila, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa chỉ trích Trung Quốc. Ông cảnh báo có thể xảy ra xung đột vũ trang tại Biển Đông – tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới. Và điều này có thể làm đảo ngược xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu. Các hành động của Trung Quốc đã trực tiếp đe dọa đế sự hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông.
Mới đây nhất, Mỹ đã lên án Trung Quốc có những “hành động khiêu khích”. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói điều này với Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy. Ấn Độ cũng đã bày tỏ quan ngại của mình trước những tranh chấp trên Biển Đông và nhấn mạnh cần phải duy trì tự do hàng hải tại khu vực này. Nhưng đáp lại những phản ứng trên, Trung Quốc lại lớn tiếng yêu cầu các quốc gia khác không liên quan đến việc Trung Quốc “thực thi quyền tại lãnh thổ của mình”.
Tại sao Trung Quốc quyết định khiêu khích Việt Nam tại thời điểm này và có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ “anh em” với Việt Nam? Đó là một nước cờ nhằm dập tắt tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và kiểm tra quyết tâm của Việt Nam cũng như các nước ASEAN, đồng thời kiểm tra phản ứng của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã chọn cách phản ứng mềm mỏng, không làm bất cứ điều gì để khiêu khích Trung Quốc. Năm ngoái, Việt Nam cũng đã giữ im lặng khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế ở The Hague.
Sự hung hăng của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với thỏa thuận gần đây giữa Indonesia và Philippines đã giải quyết được vấn đề biên giới biển của 2 nước sau 20 năm đàm phán. Tổng thống Philippines Bennigno Aquino đã gọi thỏa thuận này là cột mốc quan trọng “được hình thành dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển”.
Trung Quốc muốn hợp thức hóa những yêu sách của mình trên Biển Đông để thỏa mãn cơn khát tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu khí. Việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Biển Đông đã được lựa chọn cẩn thận: sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến các nước châu Á nhằm phục vụ cho chiến lược “xoay trục/tái cân bằng Châu Á”.
Mỹ có hiệp ước liên minh với Nhật Bản và Philippines và nó được tái khẳng định trong chuyến thăm của Tổng tống Mỹ. Việt Nam không có quan hệ liên minh này, và Trung Quốc đã chọn Việt Nam chứ không phải bất kỳ một nước đồng minh nào của Mỹ.
Vụ việc này cũng củng cố thêm nhận định của Trung Quốc: Mỹ vẫn sẽ giữ thái độ trung lập trước các tranh chấp chủ quyền và chỉ nhấn mạnh vào tự do hàng hải. Mỹ sẽ ngồi yên nếu Việt Nam bị bắt nạt.
Trung Quốc ngày càng xa rời tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” trước đó từng nêu ra. Bắc Kinh ngày càng quyết đoán và tích cực hơn trong các tranh chấp với các nước láng giềng. Chính vì thế, hành trình tìm kiếm cơ cấu an ninh ổn định cho châu Á vẫn còn gian nan.
Bảo Linh