Hôm nay (7/7), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên hợp quốc có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) sẽ bắt đầu phiên tranh luận về vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên bị xem xét kỹ theo luật pháp quốc tế, mặc dù Bắc Kinh chính thức từ chối tham gia vụ kiện mà Philippines khởi xướng kể từ năm 2013.
Trong vòng điều trần kéo dài từ 7-13/7, PCA sẽ xác định xem liệu cơ quan này có thẩm quyền đối với vụ kiện tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông hay không. Nếu PCA xác định có thẩm quyền, Philippines sẽ được yêu cầu trình bày các lý lẽ của vụ kiện trong một vòng điều trần khác. Khi đó, nước này sẽ yêu cầu PCA tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi pháp.
Hôm nay (7/7), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ bắt đầu phiên tranh luận về vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Trước khi phiên tòa diễn ra, Manila tự tin tuyên bố sẽ đập tan lập luận mạnh mẽ nhất chống lại vụ kiện mà phía Bắc Kinh đưa ra.
Một phái đoàn cấp cao của Philippines, bao gồm cố vấn pháp luật hàng đầu của Philippines, người đứng đầu Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Tư pháp, cùng các luật sư tại Washington do Manila thuê, đã bay tới La Hay để tham gia phiên tòa.
Vụ việc đang được các lãnh đạo châu Á và Mỹ theo dõi chặt chẽ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang cấp tập xây dựng 7 đảo nhân tạo.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các quan chức ngoại giao và chuyên gia pháp lý Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao vụ kiện. Đại sứ quán Trung Quốc tại The Hague còn lập đường dây liên lạc chính thức với PCA.
|
Người dân Philippines tuần hành phản đối Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông. |
Trong đơn kiện được gửi lên PCA tháng 1/2013, Philippines nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, cùng với việc nước này đơn phương chiếm các đảo và bãi cạn trong khu vực, là đi ngược lại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và không có giá trị pháp lý.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển và các bãi cạn mà Manila xem là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Philippines cũng cáo buộc Trung Quốc tiếp tục xâm lấn khi một tàu khu trục hải quân và hải tàu khác của nước này xâm phạm vùng 5 hải lý quanh một tàu vận tải cũ mà Manila cho mắc cạn tại bãi cạn Second Thomas (bãi Cỏ Mây) vào năm 1999 để khẳng định chủ quyền.
Trả lời phỏng vấn trang tin Rappler mới đây, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio tin rằng một khi PCA nói họ có quyền tài phán thì tòa án này sẽ bác bỏ đường 9 đoạn. Thẩm phán này chỉ ra rằng có đến "99,9% học giả pháp lý bên ngoài Trung Quốc" nghĩ đến một kết quả như thế.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc đang hoạt động tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
"Phiên tòa là diễn đàn duy nhất mà chúng ta có thể đánh bại Trung Quốc. Họ chỉ đưa ra phán quyết dựa trên luật biển" - ông Caprio tự tin cho biết.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông dựa trên "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra. "Đường 9 đoạn" đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia. Manila đã đệ đơn kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc từ tháng 1/2013, nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là vô giá trị và trái với luật pháp quốc tế.
Bắc Kinh hôm 2/7 tiếp tục từ chối tham gia vụ kiện của Philippines và gọi đây là "chiêu trò khiêu khích chính trị" để "buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp". Bắc Kinh cũng cảnh báo Manila "chớ có đối đầu" với nước này và vẫn khẳng định giải quyết vấn đề theo song phương.
Yên Yên (tổng hợp)