Tòa án trọng tài quốc tế đã cho phép Việt Nam và một số nước liên quan được phép tham dự vụ kiện của Philippines về "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tin tức trên tờ Inquirer của Philippines ngày 7/7 cho biết, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc có trụ sở lại The Hague, Hà Lan đã bắt đầu xem xét vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo thông cáo báo chí của PCA, phiên điều trần sẽ kéo dài đến cuối tuần và không được công khai. Tuy nhiên, sau khi nhận được "những đề nghị bằng văn bản của các nước và tham khảo ý kiến từ các bên, Tòa cho phép các nước Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, cử phái đoàn nhỏ đến với tư cách là quan sát viên.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông dựa trên "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra. "Đường 9 đoạn" đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Phái đoàn Philippines dự vụ kiện tại Hà Lan. |
Philippines đưa tới phiên tòa một đội ngũ hùng hậu, gồm các nhân vật cấp cao từ ba cơ quan chính phủ và luật sư nổi tiếng quốc tế. Manila muốn tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là bất hợp pháp và tin rằng tòa án sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho mình.
Theo thông báo của Phó phát ngôn tổng thống Philippines Abigail Valte, phiên họp đầu tiên tập trung về thẩm quyền tài phán của tòa đối với đơn kiện dự kiến sẽ kéo dài 3 tiếng (từ 14h30 đến 17h30 ngày 7/7 (giờ địa phương)).
Theo kế hoạch, ông Florin Hilbay, cố vấn pháp luật của chính phủ Philippines, sẽ trình bày đầu tiên. Tiếp đó, Ngoại trưởng Albert del Rosario sẽ nêu lý do Manila đưa đơn kiện. Các luật sư thuộc văn phòng luật sư Foley Hoag ở Washington (Mỹ) do luật sư Paul Reichler đứng đầu sẽ tiếp tục nêu các luận cứ liên quan đến thẩm quyền tòa án.
Người dân Philippines tuần hành phản đối Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông. |
Bắc Kinh hôm 2/7 tiếp tục từ chối tham gia vụ kiện của Philippines và gọi đây là "chiêu trò khiêu khích chính trị" để "buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp". Bắc Kinh cũng cảnh báo Manila "chớ có đối đầu" với nước này và vẫn khẳng định giải quyết vấn đề theo song phương.
Vụ việc đang được các lãnh đạo châu Á và Mỹ theo dõi chặt chẽ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang cấp tập xây dựng 7 đảo nhân tạo.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các quan chức ngoại giao và chuyên gia pháp lý Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao vụ kiện. Đại sứ quán Trung Quốc tại The Hague còn lập đường dây liên lạc chính thức với PCA.
Yên Yên (Inquirer)