Hội đồng tòa trọng tài tại The Hague, Hà Lan sẽ đưa ra phán quyết về tranh chấp kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông vào chiều nay, 12/7. Philippines đã yêu cầu tòa đưa ra phán quyết về yêu sách và hành động không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển của Trung Quốc. Bắc Kinh đã từ chối tham gia vụ kiện, bác bỏ thẩm quyền của tòa và nói sẽ không chấp nhận phán quyết.
Phiên điều trần của Tòa trọng tài Thường trực ở The Hague vào ngày 7/7/2015. Ảnh: AP |
Cùng nhìn lại toàn cảnh tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông:
1947: Trung Quốc phân ranh giới các yêu sách lãnh thổ của họ bằng đường chữ U, tức "đường 11 đoạn" trên bản đồ, bao phủ hầu hết khu vực. Đến năm 1949, đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền và đến năm 1953, loại Vịnh Bắc Bộ ra khỏi bản đồ, xóa đi 2 dấu gạch, tạo thành bản đồ "đường 9 đoạn".
1994: Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 - căn cứ để Philippines đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài - có hiệu lực sau khi 60 nước phê chuẩn. Thỏa thuận này xác định các vùng lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Philippines tham gia công ước vào năm 1984, Trung Quốc tham gia năm 1996. Mỹ chưa từng phê chuẩn công ước này.
1995: Trung Quốc kiểm soát đá Vành Khăn, xây dựng những nhà gỗ bát giác trên đó. Các quan chức Trung Quốc nói rằng nơi này dùng làm nơi trú ẩn cho ngư dân. Philippines đã phản đối thông qua ASEAN.
1997: Các tàu hải quân Philippines ngăn các tàu Trung Quốc tiếp cận bãi cạn Scarborough, khơi gợi sự phản đối từ phía Trung Quốc. Rạn san hô không có người ở này được Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, nằm ở ngoài khơi Philippines 230 km, cách Trung Quốc tận 1.000 km. Những năm sau đó, Philippines đã bắt giữ nhiều ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép tại khu vực này.
2009: Trung Quốc đệ trình bản đồ "đường 9 đoạn" lên Liên hợp quốc, tuyên bố rằng họ "có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo tại Biển Đông và vùng biển lân cận". Việc đệ trình này nhằm phản ứng lại việc Việt Nam và Malaysia đệ đơn xin công nhận mở rộng thềm lục địa. Cả Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều phản đối yêu sách của Trung Quốc.
2011: Philippines đưa ra sự phản đối ngoại giao sau khi một tàu hợp đồng tìm kiếm dầu khí tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), gần quần đảo Trường Sa bị 2 tàu tuần tra Trung Quốc quấy rối, ép thay đổi hành trình.
2012: Trung Quốc kiểm soát bãi Scarborough sau bế tắc giữa các tàu hải cảnh Trung Quốc và một tàu hải quân Philippines. Tàu hải quân Philippines đã chặn một tàu cá Trung Quốc lại để kiểm tra.
2013: Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa trọng tài Thường trực tại The Hague, chọc giận Bắc Kinh. Ban hội thẩm gồm 5 thành viên là các chuyên gia pháp lý quốc tế được bổ nhiệm và tháng 6 để xử vụ kiện.
2014: Chính phủ Philippines triệu hồi phái viên hàng đầu của Trung Quốc tại Manila vào tháng 2 để phản đối việc tàu Trung Quốc bắn vòi rồng để xua tàu cá Philippines khỏi bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã phớt lờ sự phản đối này và nói chủ quyền của họ ở đây là "không thể chối cãi".
Trung Quốc đưa ra quan điểm của mình vào tháng 12, tranh cãi rằng ban hội thẩm này không có thẩm quyền đối với vụ kiện bởi nó liên quan đến vấn đề chủ quyền và định nghĩa biên giới, không bao gồm trong công nước Liên hợp quốc. Philippines và Trung Quốc đã đồng ý chỉ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
2015: Ban hội thẩm của tòa trọng tài tại The Hague đã thể hiện thái độ của mình vào tháng 10/2015, nói rằng họ có thẩm quyền đối với ít nhất 7 trong số 15 tuyên bố mà Philippines đưa ra. Một phiên điều trần về công, tội của các yêu sách được tổ chức vào thagns 11/2015 song Trung Quốc không tham gia.
2016: Tòa trọng tài Thường trực tuyên bố phán quyết của tòa sẽ được đưa ra vào ngày 12/7/2016.
Bảo Linh (Washington Post)