Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một tép tỏi sống có khoảng 14 calo, 0,57 gam protein và khoảng 3 gam carbohydrate (để so sánh, một lát bánh mì trắng có 34 gam carbohydrate). Một tép tỏi nhỏ bé nhưng chứa một lượng vitamin và chất dinh dưỡng đáng kể: Vitamin C (2,81 mg), Selen (1,28 mcg), Mangan (0,15 mg), Sắt (0,15 mg).
Ngoài chức năng tăng cường hệ miễn dịch, làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, cải thiện sức khỏe tim mạch..., Tracey Brigman, chuyên gia thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Georgia (Mỹ), còn khẳng định rằng tỏi cũng có thể giúp ngăn ngừa cảm lạnh và cảm cúm vì đặc tính kháng khuẩn và kháng sinh của tỏi ngăn chặn sự phát triển của virus, vi khuẩn và các sinh vật không mong muốn khác.
Mặc dù tỏi có nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng các chuyên gia khuyên không nên ăn quá nhiều tỏi một cách đột ngột.
"1 đến 2 tép mỗi ngày nên là mức tiêu thụ tối đa đối với bất kỳ ai. Ăn nhiều hơn có thể gây đau bụng, tiêu chảy, đầy bụng hoặc hôi miệng", Brigman cho biết.
Chuyên gia thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Georgia (Mỹ) chững cho rằng, nhiều người có thói quen băm nhỏ tỏi rất lâu trước khi ăn là một sai lầm khi sử dụng tỏi. Ngoài ra, việc nấu tỏi với nhiệt độ quá cao là một sai lầm khác.
Cách tốt nhất là ăn tỏi nguyên tép tốt hơn ăn tỏi băm sẵn rồi để trong lọ. Bằng cách ăn tỏi nguyên tép, bạn sẽ nhận được nhiều nhất lợi ích về sức khỏe và y học từ tỏi sống.
Nguyên nhân là chất allicin trong tỏi có tác dụng mạnh nhất trong một thời gian ngắn sau khi được băm nhỏ, nghiền nát hoặc nhai. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, lượng allicin trong tép tỏi đạt đỉnh điểm 10 phút sau khi băm nhỏ và bị phá hủy bởi nhiệt độ trên 60 độ C.
"Nếu bạn muốn thêm tỏi vào món ăn nóng, hãy thêm tỏi khi thức ăn của bạn gần như đã nấu xong để allicin không bị phá hủy. Allicin cũng có thể được tiêu thụ dưới dạng thực phẩm chức năng, nhưng allicin trong tỏi sống là tốt hơn cả", Brigman nhấn mạnh.