Tổng thống Vladimir Putin mới đây đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu phía Washington triển khai các tên lửa hiện vẫn bị cấm trong Hiệp ước INF tới châu Âu, Nga sẽ nhắm vào những nước "chứa chấp" chúng.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin cho hay tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ý định rút khỏi INF (Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung) mà Mỹ đã ký với Liên Xô năm 1987.
Theo đó, Tổng thống Putin cho biết ông hy vọng nếu như Mỹ rút khỏi INF thì nước này sẽ không có kế hoạch đặt ở châu Âu bất kỳ tên lửa nào thuộc diện cấm trong Hiệp ước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte ở sau các cuộc hội đàm ở Kremlin, Moscow. Ảnh: Reuters |
"Nếu chúng được triển khai ở châu Âu, chúng tôi tất nhiên sẽ phải phản ứng", ông Putin tuyên bố tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Giuseppe Conte ở Moscow. "Các nước châu Âu nào đồng ý thì cần hiểu rằng họ sẽ phơi lãnh thổ của mình cho nguy cơ một cuộc tấn công trả đũa".
Người đứng đầu điện Kremlin cũng thẳng thắn bác bỏ cáo buộc của Mỹ và NATO rằng Moscow vi phạm Hiệp ước. Ông chỉ ra rằng chính Mỹ mới là bên vi phạm, với các cơ sở phòng thủ tên lửa đặt ở Romania mà có thể được sử dụng để giữ các tên lửa hành trình vi phạm INF.
Phía Mỹ cho rằng hệ thống tên lửa mới của Nga - được biết đến là 9M729 – đi ngược lại INF. Các thành viên NATO cũng nghĩ như vậy.
INF cấm tất cả các loại tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.200km. Theo các chuyên gia, hệ thống mới 9M729 có thể hoạt động ở các cao độ thấp hơn khiến nó khó bị phát hiện và tiêu diệt. Nó cũng có thể chạm tới tất cả các mục tiêu trên toàn châu Âu, thậm chí là bờ tây của Mỹ nếu được triển khai ở Siberia.
Trong bối cảnh tình hình leo thang xoay quanh INF, ngày 25/10, NATO chính thức tổ chức cuộc tập trận mang tên Trident Juncture (Đinh ba Giáp chiến) ở Na Uy - cuộc tập trận chung lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Nga, nước chung biên giới với Na Uy, đã được NATO thông báo về sự kiện này và được mời tới giám sát.
Tuy vậy, Moscow vẫn rất tức giận. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo có thể buộc phải đáp trả việc NATO tăng cường các hoạt động quân sự gần biên giới phía tây nước này.
Trident Juncture 2018 bao gồm khoảng 50.000 quân, 65 tàu chiến, 250 máy bay và 10.000 phương tiện, với kịch bản là khôi phục chủ quyền của Na Uy sau một cuộc tấn công của "kẻ xâm lược giả định".
Minh Di (tổng hợp)