Nhóm tin tặc quốc tế đã sử dụng phương pháp lừa đảo chuyên nghiệp để trộm 101 triệu USD từ ngân hàng Bangladesh, TP Bank của Việt Nam cũng suýt nữa trở thành nạn nhân của nhóm hacker này.
VTC news dẫn tin từ Financial Times cho biết, giới chuyên gia thế giới đã khẳng định một ngân hàng ở Việt Nam thời gian gần đây bị tội phạm công nghệ cao nhắm đến để ăn cắp tiền. Chúng sử dụng cùng phương pháp như đã làm với ngân hàng trung ương Bangladesh hồi tháng 2/2016. Mặc dù ngân hàng Việt Nam bị tấn công trước ngân hàng Bangladesh nhưng gần đây mới phát hiện ra.
Công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng quốc tế Swift phát hiện nhóm hacker tấn công một ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Internet |
Liên quan đến vụ việc này, phát ngôn viên của Swift – công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng quốc tế đã phát biểu trước báo chí, các hacker vượt qua hàng rào kiểm soát hệ thống rủi ro của một ngân hàng Việt Nam và chuyển khoản trái phép một khoản tài chính.
Financial Times còn có một thông báo gửi tới khách hàng của Swift, trong đó Swift nói rõ nhóm hacker này có trình độ chuyên môn cao, am hiểu ngân hàng và mục tiêu chính của chúng là lấy trộm tiền. Phương thức của chúng là ăn trộm dữ liệu cá nhân của khách hàng, sau đó thực hiện chuyển và rút tiền trái phép.
TP Bank là ngân hàng bị nhóm hacker tấn công. Rất may sự việc đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Ảnh: Trí thức trẻ |
Và sau những thông báo này, ngân hàng Việt Nam bị phát hiện tấn công bởi nhóm hacker là TP Bank. VietnamFinance dẫn tin từ Reuters cho biết, trong quý IV/2015, TP Bank đã phát hiện một số yêu cầu đáng ngờ thông qua các tin nhắn của hệ thống chuyển tiền Swift, yêu cầu chuyển hơn 1 triệu Euro, tương đương 1,1 triệu USD.
Sau đó, TP Bank đã liên lạc với bên liên quan và nhanh chóng chặn lệnh chuyển khoản này của bọn tội phạm. Rất may vụ tấn công không gây ra bất kì thiệt hại nào và cũng không ảnh hưởng đến hệ thống Swift, hay hệ thống giao dịch giữa TP Bank với khách hàng.
Qua điều tra, được biết việc chuyển tiền của nhóm hacker được thực hiện bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng của bên thứ ba được TP Bank thuê để kết nối họ với hệ thống Swift có máy chủ đạt ở nước ngoài. Hiện tại, TP Bạnk đã chấm dứt hợp đồng với bên thứ ba và chuyển qua sử dụng một hệ thống mới có tính bảo mật cao hơn, cho phép họ kết nối trực tiếp với Swift.
Trước đó, vào tháng 2/2016, ngân hàng trung ương Bangladesh đã bị nhóm hacker tấn công và cướp đi 101 triệu USD cũng bằng tin nhắn chuyển tiền giả trên hệ thống Swift. Sau khi phát hiện ra chỉ khoảng 20 triệu USD được thu hồi về, còn hơn 80 triệu USD vẫn đang được điều tra.
Hoài An (tổng hợp)