Tư lệnh cấp cao của Mỹ tại Thái Bình Dương muốn đương đầu nhiều hơn để chống lại và đảo ngược lợi ích chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông nhưng điều này đã gặp phải sự kháng cự từ Nhà Trắng.
Tờ Navytimes dẫn lời một số nguồn tin cho biết Đô đốc Harry Harris đang đề xuất Mỹ phản ứng cứng rắn hơn đối với việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại Biển Đông - điều này có thể giúp Bắc Kinh tung ra các máy bay và tiến hành các chiến dịch quân sự trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo - như một phần nỗ lực để ngăn chặn "Vạn lý trường thành bằng cát" trước khi nó mở rộng ra 140 dặm, tính từ thủ đô Philippines.
Ông Harris và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Mỹ của mình đã tiến hành một chiến dịch bền bỉ nhiều tháng qua, trong cộng đồng lẫn từng cá nhân, để nâng cao nhận thức về hoạt động chiếm đất của Trung Quốc, cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông hồi tháng 2.
Nhưng chính quyền Obama đang tìm cách hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề khác, từ việc không phổ biến vũ khí hạt nhân cho tới một chương trình nghị sự thương mại đầy tham vọng. Và họ không muốn xáo trộn vấn đề Biển Đông. Thậm chí, họ còn muốn "bịt miệng" ông Harris và các lãnh đạo quân sự khác trong thời gian chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh an ninh.
"Họ muốn rời nhiệm sở sao cho ít phiền phức nhất và hợp tác cao nhất với Trung Quốc", Jerry Hendrix, một cựu đại úy Hải quân và chuyên gia phân tích chiến lược quốc phòng tại Trung tâm An ninh Tân Mỹ cho biết.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Mỹ tìm cách chống lại hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông. Ảnh: Navytimes |
Nhà Trắng đã tìm cách giảm tông những gì ông Harry và các nhà lãnh đạo quân sự khác lên tiếng. Những người này đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang củng cố những lợi ích của mình để làm vững chắc thêm các yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cũng đã yêu cầu các lãnh đạo quân sự không được "lỡ mồm" về tranh chấp Biển Đông trong những tuần lễ mà hội thượng đỉnh hạt nhân diễn ra, 2 quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ cho biết. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có mặt tại Washington trong tuần lễ diễn ra hội nghị này và gặp riêng Tổng thống Obama.
Một quan chức quốc phòng biết về cuộc gặp tiết lộ mệnh lệnh này là một phần của những lưu ý trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 18/3 trong đó có cả yêu cầu từ phía bà Rice là tránh bình luận công khai về những hành động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông.
Vị quan chức cho biết khi đưa ra mệnh lệnh này, bà Rice có ý định tạo "không gian chính trị cơ động tối đa" trong cuộc họp của 2 người họ tại Hội nghị thượng đỉnh Hạt nhân được tổ chức từ ngày 31/3-1/4.
"Đôi khi, được phép nói về những sự kiện và chỉ ra những gì mà Trung Quốc đang làm nhưng có những lúc không được. Trong khi đó Trung Quốc lại hoàn toàn nhất quán trong việc truyền tải thông điệp", người này nói.
Tuyên bố của Hội đồng An ninh Quốc gia đã "làm nhụt nhuệ khí" của Lầu Năm Góc khi mà trước đó các lãnh đạo của họ được thảo luận công khai về vấn đề Biển Đông, còn hơn cả hội nghị của tổng thống.
Các lãnh đạo quân đội Mỹ giải thích điều này như một mệnh lệnh để làm thinh trước những động thái kiểm soát của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng những phản ứng yếu ớt của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc được nước lấn tới và khiến các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Philippines cảm thấy bị bắt nạt.
Bảo Linh (Navytimes)