Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết 2 luồng bức xạ nổ từ Mặt trời vào ngày 14 và 15/8 dự kiến sẽ đổ bộ Trái đất trong ngày hôm nay. Các cơn bão mặt trời (CME) này có khả năng làm gián đoạn và gây hư hại cho lưới điện, tàu vũ trụ trên quỹ đạo.
Các nhà Dự báo thời tiết không gian vẫn đang chờ 2 CME này tiếp cận với vệ tinh của Đài quan sát Khí hậu Không gian Sâu (DSCOVR) của NOAA, cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km về phía Mặt trời để dự đoán chính xác sức mạnh và hướng từ trường của chúng. Dự đoán hiện tại của họ là ở cấp G3.
CME là các vụ nổ plasma từ hóa từ mặt trời thoát ra khỏi các vết đen khi các đường lực từ ở những vùng này tạm thời bị đứt. Trong tuần qua, các chuyên gia thời tiết không gian đã chứng kiến nhiều CME phun trào từ mặt trời, nhưng hầu hết chúng đều không hướng về Trái đất.
Theo Met Office của Anh, hiện có 10 vết đen đang hoạt động trên phần có thể nhìn thấy của mặt trời, tạo ra tia lửa mặt trời và CME. Hai CME hiện đang hướng tới Trái đất đều bùng phát từ một vết đen mặt trời "phức tạp", được NOAA gọi là vùng 3078. Met Office cho biết khu vực này, nằm ở phía tây nam của mặt trời, hiện là khu vực lớn nhất và hoạt động mạnh nhất trên đĩa mặt trời nhìn thấy được và bao gồm các điểm phức tạp có từ tính "mạnh".
Tia lửa mặt trời là những tia bức xạ điện từ truyền đi với tốc độ ánh sáng và có thể làm gián đoạn liên lạc vô tuyến trên Trái đất. Không giống như CME, mất đến 3 ngày để đến nơi, ảnh hưởng của tia lửa mặt trời sẽ không có báo trước.
Các nhà dự báo thời tiết không gian cũng đang quan sát hai lỗ vành nhật hoa mà từ đó gió mặt trời thoát ra với tốc độ cao. Các lỗ này nằm trong vành nhật hoa, tại đó các đường lực từ của mặt trời bị gián đoạn, tạo ra một khe hở. Từ khe hở này, gió mặt trời có thể dễ dàng thoát ra ngoài.
Tuy nhiên, theo dự báo của NOAA thì bão mặt trời sẽ không có tác động lớn đến thế giới công nghệ của chúng ta. Một cơn bão G3 vẫn còn tương đối yếu. Những cơn bão mạnh hơn, loại G4 và G5, có thể gây mất điện, làm gián đoạn các liên kết liên lạc vệ tinh và thậm chí phá hủy các vệ tinh trên quỹ đạo.
Vào tháng 2 năm nay, SpaceX đã mất một lô gồm 40 vệ tinh Starlink sau khi gặp một cơn bão địa từ tương đối nhẹ. Các nhà điều hành khác của các vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp đã báo cáo các vấn đề gặp phải do bão mặt trời trong những tháng gần đây. Các cơn bão khiến những vệ tinh rơi trở lại Trái đất nhanh hơn.
(Theo Space)
>> Xem thêm: Bão mặt trời 'đánh trực diện' Trái đất, nguy cơ thiệt hại hàng nghìn tỷ 'đổ bộ'