Nếu bạn không biết cảm giác khi bị hỏa táng như thế nào thì trò chơi kỳ quặc này sẽ giúp bạn có thể thỏa mãn trí tò mò.
Theo tin tức trên Oddity Central, trò chơi kỳ quặc mang tên “Samadi – Trải nghiệm cái chết 4D” từng được tổ chức tại công viên ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc hồi tháng 9/2014.
Bắt đầu trò chơi, người tham gia sẽ phải trải qua một loạt các thử thách để thoát khỏi cái chết. Những người thua cuộc sau đó sẽ phải nằm trong quan tài và được đưa vào một nhà hỏa táng giả.
Khi ở bên trong, nghi lễ mai táng sẽ được tái hiện như thật. Nhiệt độ bên trong lên đến 40 độ C và hiệu ứng ánh sáng khiến họ cảm thấy như đang bị hỏa táng.
Sau lễ hỏa táng giả, người tham gia sẽ nhìn thấy một cái dạ con nhỏ ở trên trần. Họ sẽ phải cố gắng bò lên đó để chạm vào vật mềm, tròn, màu trắng giống như dạ con để được... "tái sinh".
Được biết, Ding, cùng với cộng sự của mình, Huang Wei-ping, đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước khi thiết kế “trò chơi chết giả”.
Họ đã tìm hiểu về quá trình hỏa táng ở Trung Quốc - đất nước có đến một nửa dân số lựa chọn phương pháp hỏa thiêu sau khi chết, để có thể tái tạo ra mô hình cái chết như thật. Họ tin rằng, cảm giác thực chính là yếu tố quyết định thành công của trò chơi nên đã đến thăm nhà hỏa táng và thực sự trải nghiệm cảm giác trong lò nung khi ngọn lửa đã tắt.
“Đầu tiên, Ding vào bên trong lò hỏa táng và tôi ở bên ngoài quan sát. Người phụ trách ở đó cũng rất lo lắng vì từ trước đến nay, công việc của anh ấy chỉ là đưa thi thể vào bên trong mà không quay trở lại”, Huang chia sẻ.
Bản thân Huang cho biết, ông không thể chịu được khi ở bên trong lò hỏa thiêu. “Nó thực sự rất nóng. Tôi không thể thở và tôi nghĩ rằng tôi đã chết”, Huang nói tiếp.
Huang tâm sự rằng, ông bắt đầu tập trung nghiên cứu về cái chết từ khi ông trải qua một khoảng thời gian đầy khó khăn để tìm lại chính mình.
“Trung Quốc giúp tôi giàu có nhưng không dạy tôi cách sống với cuộc sống giàu sang ấy. Tôi đã đánh mất phương hướng”, ông tâm sự.
Từ đó, Huang đã học ngành tâm lý và cũng đi làm tình nguyện nhiều nơi. Điều đó khiến ông cảm thấy được “cứu sống”.
“Tôi đã mời nhiều người từ các nền tôn giáo khác nhau và các lĩnh vực khác nhau đến và nói chuyện về cuộc sống. Tôi đã mất khoảng 2 năm để nhận ra rằng, thay vì ngồi một chỗ và lắng nghe một cách thụ động, tôi có thể làm điều gì đó. Không lâu sau, tôi và Ding đã tạo ra trò chơi này”.
Qua các khóa học và nghiên cứu của mình, Huang và Ding phát hiện ra rằng, rất ít người thoải mái chấp nhận ý tưởng về cái chết. Và nguyên nhân của tình trạng này chính là họ bị nỗi sợ chết choán ngợp do thiếu hiểu biết.
Họ cũng nhận thấy rằng, nhiều người trong thời khắc cuối cùng có suy nghĩ trốn tránh và cảm xúc giả tạo thay vì nhận thấy giá trị của đời sống. Vì vậy, họ đã nảy ra ý tưởng “giả chết” nhằm giúp mọi người chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng.
Hai người đã gây quỹ cho dự án này thông qua trang web Jue.so. Thật kinh ngạc khi chỉ trong 3 tháng, họ đã nhận được hơn 410 nghìn nhân dân tệ (tương đương 67 nghìn USD).
“Hóa ra rất nhiều người dân Trung Quốc rất tò mò về cái chết”, Huang cho hay.
Ding hy vọng rằng, trò chơi này sẽ góp phần “giáo dục sự sống”.
“Không có bất cứ câu trả lời hình mẫu nào trong giáo dục về cái chết hay sự sống. Nó không giống với những khóa học dạy chúng ta làm giàu và thành công. Quan trọng hơn là để mọi người tự mình trải nghiệm nó”, Ding cho biết.
Thiên Bình