Đêm trước khi thi hành án, bà Edith Cavell đã nói một câu khiến ai cũng khâm phục và nhớ mãi về sau: "Lòng yêu nước thôi chưa đủ. Tôi không có hận thù cay đắng với bất kỳ ai cả."
Hôm nay thứ Ba ngày 4/12, doodle Google thay đổi hình ảnh về một người y tá có tên Edith Cavell để kỷ niệm 153 năm ngày sinh của bà. Vậy Edith Cavell là ai?
Edith Cavell - Nữ y tá anh hùng thời Thế chiến I
Edith Cavell sinh ngày 4 tháng 12 năm 1865, ở Norfolk, miền đông nước Anh. Edith Cavell là con cả trong gia đình 4 người con, có cha là Reverend Frederick Cavell và mẹ là Louisa Sophia.
Ngay từ khi còn nhỏ, bà và các em được cha mẹ nuôi dạy chu đáo, căn dặn luôn phải biết chia sẻ, yêu thường những người kém may mắn hơn mình. Lời căn dặn của cha mẹ đã in sâu vào con người của bà mãi mãi về sau, để rồi, lịch sử sau này công nhận bà là nữ y tá anh hùng của Thế chiến I.
Bởi, trong Thế chiến I, bà đã mạo hiểm tính mạng để giúp đỡ khoảng 200 người lính của phe Hiệp Ước thoát khỏi vòng vây truy sát của quân đội Đức.
Quay trở lại thời gian sau khi được đào tạo tại Bệnh viện Hoàng gia London (Anh), Edith Cavell tiếp tục làm việc tại một số bệnh viện của Anh trước khi sang Bỉ, nơi tạo ra bước ngoặt cuộc đời của bà.
Doodle Google ngày 4/12 xuất hiện hình ảnh nữ y tá người Anh Edith Cavell. Ảnh: CNN |
Tại Bỉ, bà được bổ nhiệm làm nữ y tá trưởng đầu tiên của Viện Berkendael ở Brussels. Viện này chính là nơi bà trở thành người tiên phong trong việc điều dưỡng hiện đại.
Năm 1914, khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra, khi đó bà Edith Cavell đã 49 tuổi và chưa từng kết hôn, nguyện đem hết kiến thức và sức lực của mình để chăm sóc những người lính bị thương, bất kể họ mang quốc tịch nào và đến từ đâu tại Viện Berkendael (nơi Hội chữ thập đỏ quốc tế sử dụng làm nơi cứu chữa cho thương binh.)
"Lòng yêu nước thôi chưa đủ. Tôi không có hận thù cay đắng với bất kỳ ai cả" - Edith Cavell
Trong thời chiến, sau khi chữa trị cho các người lính Anh, Pháp, bà Edith Cavell còn bí mật giúp đỡ họ trốn thoát khỏi sự truy sát của quân đội Đức.
Việc binh lính phe Hiệp Ước trốn thoát an toàn ngày càng khiến quân đội Đức nghi ngờ. Giọt nước đã tràn ly khi bà bị một người Bỉ tên Gaston Quien phản
bội và tố giác với quân Đức.Sau khi bị biệt giam và đứng trước tòa, bà Edith Cavell không hề run sợ. Bà dõng dạc tuyên bố đã giúp đỡ 200 người lính Anh, Pháp trốn thoát khỏi Bỉ, mặc dù biết, sự thừa nhận của mình sẽ khiến bà phải nhận mức án cao nhất từ tòa án Đức.
Ảnh: Getty Images |
Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được triển khai nhằm cứu bà Edith Cavell và nhiều người khác thoát khỏi án tử hình. Tuy nhiên, tòa án Đức vẫn quyết thi hành án.
Đêm trước khi thi hành án, bà đã nói một câu khiến ai cũng khâm phục và được người đời nhớ mãi. Về sau này, nó được viết trên bức tượng của bà đặt tại Quảng trường Trafalgar thành phố London, Anh: "Lòng yêu nước thôi chưa đủ. Tôi không có hận thù cay đắng với bất kỳ ai cả."
Bà còn nói thêm rằng: "Tôi sẽ không ngừng chìa cánh tay cho đến khi những người khó khăn hơn mình được giúp đỡ."
Hai giờ sáng ngày 12/10/1915, chỉ chưa đầy 10 tiếng sau khi bản án tử hình được tuyên bố, tại một địa điểm quân sự mang tên Tir National, bà Edith Cavell đã bị xử bắn. Khi Thế chiến I kết thúc, hài cốt của bà được đem trở về quê hương Anh.
Năm 2015, kỷ niệm 100 năm ngày mất của bà, nhà thờ Norwich (Anh) đã được trao một khoản tiền 50.000 bảng Anh để khôi phục lại phần mộ của bà Edith Cavell.
Chính vì việc làm đầy mạo hiểm, thể hiện bản lĩnh của một người phụ nữ kiên cường, hết lòng vì chính nghĩa này của bà mà Google hôm nay 4/12 đã vinh danh bà để kỷ niệm 153 năm ngày sinh của nữ ý tá quả cảm.
Bài viết sử dụng nguồn: CNN
Trang Ly
Helino/Trí thức trẻ