Triều Tiên vừa tiết lộ hệ thống pháo phản lực phóng loạt 300 mm mới sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế mới được công bố.
Tuần trước, trang nhất các báo đều đưa tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh "các đầu đạn hạt nhân" của nước này đặt ở mức báo động cao. Điều này thể hiện sự bất mãn của Bình Nhưỡng đối với bất cứ lệnh trừng phạt quốc tế nào. Với những lệnh trừng phạt đặc biệt khắc nghiệt được thông qua hồi tuần trước thì không có gì đáng ngạc nhiên khi Triều Tiên sẽ đưa ra một tuyên bố khoa trương, đe dọa thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu.
Trong khi tuyên bố về tình thế tấn công phủ đầu và sự sẵn sàng của các vũ khí hạt nhân là gây chú ý nhất thì Triều Tiên cũng công bố về hệ thống pháo phản lực phóng loạt mới (MLRS). Bản dịch tiếng Anh chính thức của tuyên bố này cho thấy Triều Tiên đã tổ chức một "cuộc bắn thử để đánh giá sức mạnh của đầu nổ tên lửa gắn trên hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ lớn mới, được triển khai trong các đơn vị pháo binh dự bị của Quân đội Nhân dân Triều Tiên".
Một hệ thống phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Rodong Sinmun |
MLRS, được mô tả như một "hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ lớn loại mới", có khả năng bắn "tên lửa kiểm soát được", từng tham gia cuộc diễu binh vào tháng 10/2015 của Triều Tiên, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Tờ Rodong Sinmun đã chụp được bức ảnh bao quát về vụ bắn thử dưới sự giám sát của ông Kim Jong-un.
Nguồn gốc và các đặc điểm kỹ thuật của MLRS mới của Triều Tiên vẫn còn là một ẩn số, nhưng các chuyên gia kiểm soát vũ khí và các nhà quan sát Triều Tiên đã bắt đầu chắp nối các khả năng của hệ thống lại với nhau chủ yếu dựa trên những hình ảnh và video mà truyền thông Triều Tiên công bố. Ví dụ, Jeffrey Lewis của blog Arms Control Wonk đã phát hiện ra máy phóng của MLRS mới tương đương với MLRS PR50 122mm do Sichuan Aerospace sản xuất.
Trong khi đó, MLRS mới có cỡ nòng 300 mm có nét giống với những nền tảng của Trung Quốc và Pakistan hiện nay. Joseph Dempsey đến từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế lưu ý rằng tên lửa của nó trông giống như tên lửa Shen Ying 300 (SY300) của Sichuan Aerospace. Ông Lewis lưu ý rằng tên lửa này cung mang nét giống với tên lửa 300 mm Hatf-IX/Nasr của Pakistan. Islamabad đã tuyên bố tên lửa này có khả năng hạt nhân.
Cuộc thử nghiệm MLRS mới diên ra chính xác 2 năm sau khi Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm tương tự, bắn tên lửa tầm ngắn vào vùng biển Nhật Bản. Hệ thống MLR của Triều Tiên có thể chứng minh hữu dụng đối với Bình Nhưỡng trong bất cứ cuộc xung đột thông thường nào với Hàn Quốc và đang thách thức công nghệ quốc phòng sử dụng tên lửa thông thường. Nó có khả năng bắn hàng chục quả tên lửa chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Trong báo cáo về khả năng quân sự của Triều Tiên năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng những hệ thống như thế này đặt ra "mối đe dọa liên tục cho các bộ phận ở phía bắc của Hàn Quốc".
Xem thêm video:[mecloud]flC4dpYr6z[/mecloud]
Bảo Linh (The Diplomat)