Vừa qua, TAND TP.HCM đã bắt đầu xét xử vụ tham nhũng do Dương Thanh Cường gây ra. Một trong số những nạn nhân của bị cáo là đại gia Trầm Bê.
Ngày 22/10 vừa qua, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ tham nhũng gây thiệt hại hơn 966 tỷ đồng tại ngân hàng Nông nghiệp và phát triên nông thôn Việt Nam chi nhánh 6 (Agribank 6).
Bị cáo Dương Thanh Cường cùng đồng bọn tổ chức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Vietnamnet |
Mắt xích quan trọng trong đại án này, là bị cáo Dương Thanh Cường (sinh năm 1966), nguyên tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bình Phát. Bị cáo đã từng có 2 tiền án với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, hối lộ.
Đến năm 2005, sau khi vừa ra tù, Cường lại tiếp tục các thủ đoạn phạm pháp để làm giàu. Cường đứng ra thành lập hàng loạt công ty, thuê người đứng tên giám đốc, như: Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát, Công ty TNHH TM-DV-XD Châu Hoàng Ngân, Công ty CP-XD-TM Bình Phát, …
Sang năm 2006, công ty dệt kim Đông Phương của Cường được Bộ tài chính chấp thuận cho sử dụng diện tích hơn 17.000m2 tại số 10 Âu Cơ, quận Tân Phú, TP.HCM để làm dự án xây dựng khu thương mại, dịch vụ, chung cư cao tầng theo quy hoạch của thành phố.
Để thực hiện dự án này, công ty Đông Phương đã ký kết liên kết với CTCP bất động sản Phương Nam. Để có tiền thực hiện dự án, Cường đã gặp Hồ Đăng Trung – giám đốc Agribank 6 để vay tiền. Theo đó, ngân hàng đồng ý cho Cường vay 170 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ.
Đến cuối năm 2007, Cường tiến hành thực hiện dự án xây dựng cao ốc Thanh Phát. Cường tiếp tục lập hồ sơ vay của Agribank 6 số tiền 6.700 tỷ đồng.
Từ ngày 4/12/2007 đến 19/9/2008, Agribank 6 đã giải ngân cho công ty của Cường vay 628 tỷ đồng, tất cả có 16 giấy nợ. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý, trước khi nhận số tiền này Cường đã nhận được công văn của thành phố, thông báo về việc không thể thực hiện dự án.
Sau khi rút trót lọt tiền vay từ Agribank 6, Cường làm công văn mượn lại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất nói trên, lý do chính là hoàn thành thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, đối tượng đã sử dụng giấy tờ này để làm tài sản thế chấp, tiếp tục vay vốn tại Ngân hàng Phương Nam.
Tại đây, Cường đã gặp ông Trầm Bê để đề nghị vay tiền. Cường được đồng ý vay tiền khi có tài sản thế chấp là lô đất số 10 Âu Cơ. Ông Trầm Bê và ngân hàng Phương Nam không biết giấy tờ trên đã được thế chấp tại Agribank 6 nên đã ký duyệt cho vay.
Do không có phản hồi hay thông tin gì từ phía Agribank 6, vậy nên khi đến hạn, ngân hàng Phương Nam thu hồi vốn theo hợp đồng. Điều này đã dẫn đến thiệt hại gần nghìn tỷ đồng cho Agribank 6.
Theo thông tin trên Người lao động, dù ông Trầm Bê đã cao cơ khi ra điều kiện cho vay vốn là phải có tài sản thế chấp, và phải mua 38ha đất tại KCN Phước Hòa, tỉnh Long An. Tuy nhiên, đối tượng Cường đã luồn lách trót lọt.
Tiếp đó, Cường còn qua mặt Trầm Bê khi chỉ đạo Phạm Hoàng Thọ - phó giám đốc CT Đông Phương Phát ký hợp đồng tín dụng (số 033/05/2008) với ngân hàng Phương Nam vay 15.846 lượng vàng SJC thời hạn 1 năm. Ngày 11/9/2008, hợp đồng vay vàng này được ký tất toán.
Trước đó, ngày 10/4/2008, Dương Thanh Cường đã ký văn bản (số 19/CV/TP/2008) gửi Agribank Chi nhánh 6 mượn lại 23 sổ đỏ (đang thế chấp tại đây để vay 628 tỷ đồng) để “Trình UBND TP.HCM duyệt dự án”. Agribank Chi nhánh 6 đã chấp thuận và giao các sổ đỏ này.
Nhận 23 sổ đỏ xong, Dương Thanh Cường đem đến ngân hàng của ông Trầm Bê thế chấp để vay. Trong các ngày 23/4/2008, 31/5/2008 và 5/6/2009 và 1/10/2009, ngân ngân hàng Phương Nam đã giải ngân cho Cường số tiền là 270 tỷ đồng và 18 ngàn lượng vàng SJC.
Với những tội trạng trên, tại phiên tòa “đại án” của TAND TP.HCM đang xét xử, Dương Thanh Cường bị truy tố 2 tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt chiếm đoạt tài sản”. Bị bắt tạm giam ngày 2/10/2012.
Chủ tọa phiên tòa cho biết phiên tòa sẽ kéo dài từ nay đến khi kết thúc phần tranh luận, không xác định ngày tuyên án.
Hoài An (tổng hợp)