Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã kéo dài từ đầu tháng 6, nhưng chỉ "bùng lên" đúng thời điểm Thủ tướng Narenda Modi công du Mỹ.
Ông Trump "ngả" về phía Ấn Độ
Trong bối cảnh Ấn Độ cạnh tranh với Trung Quốc để được Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận vị thế, ông Trump và Thủ tướng Narendra Modi - hai lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc - đã tổ chức một cuộc gặp diễn ra hôm thứ Hai, 26/6 (giờ miền Đông).
Chỉ trước đó vài tiếng đồng hồ, khi trả lời câu hỏi về vụ Trung-Ấn tố lính biên phòng của nhau vượt biên và xô xát ở khu biên giới Sikkim, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng yêu cầu Ấn Độ "lập tức rút quân về phần lãnh thổ của mình và điều tra triệt để vụ việc".
Căng thẳng leo thang và rơi vào tình trạng nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh biên giới giữa hai nước vào năm 1962. Kể từ hôm 26/6, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng gần như hàng ngày để đòi Ấn Độ lui quân, kèm theo cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng" nếu New Delhi từ chối yêu cầu.
Về phía Mỹ, ông Trump ca ngợi Thủ tướng Ấn Độ, gọi ông Modi là "người bạn thật sự", một người có tham vọng chống tham nhũng và cắt giảm thuế. Cả hai đều thích phương tiện truyền thông, thường sử dụng Twitter và Facebook để liên hệ trực tiếp với công chúng.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, những biểu hiện thân thiện tại cuộc gặp giữa hai nguyên thủ ở mức độ nào đó đã nhằm vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong những tuần gần đây, ông Tập bị Mỹ phàn nàn là thất bại trong việc gây áp lực lên nước láng giềng Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng kiểm soát các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Điều này khiến cho ông Trump cảm thấy thất vọng.
Sau khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 4/7, mở ra khả năng phát triển vũ khí bắn tới lãnh thổ Mỹ, Tổng thống Trump nói Mỹ đã "mất kiên nhẫn chiến lược" với Bình Nhưỡng, để ngỏ phương án tấn công quân sự.
Trong khi đó, ông Trump ghi nhận Ấn Độ đã ủng hộ Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Ông nói, "[Vấn đề hạt nhân Triều Tiên] phải được giải quyết, hơn nữa có thể cần phải giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng."
Đáp lại, Modi ca ngợi Trump có kinh nghiệm kinh doanh "thành công và giàu có". Ông dự đoán những kinh nghiệm đó sẽ tăng cường mối quan hệ giữa Washington và New Delhi. Ông Modi cũng mời con gái tổng thống Mỹ, Ivanka Trump tham gia một hội nghị doanh nhân Ấn Độ.
Giữa ông Modi và ông Trump có rất nhiều điểm chung, bao gồm những phát biểu chống Hồi giáo và là người theo chủ nghĩa dân tộc có sự quan tâm đối với ngành công nghiệp sản xuất trong nước, có mối mối quan hệ bất hòa với các hãng truyền thông.
Chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump, ông Stephen Bannon ca ngợi chiến thắng của ông Modi trong cuộc bầu cử năm 2014, xem đây là sự vượt trội của một bộ phận tầng lớp ưu tú toàn cầu. Ông cũng nói với các đồng nghiệp rằng trong hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, Modi và Trump đều tượng trưng cho những nhiệt huyết đối với chủ nghĩa dân tộc.
Lãnh đạo Trung-Ấn ôm nhau thân mật thay vì chỉ bắt tay thông thường, sau khi đưa ra tuyên bố chung tại Nhà Trắng ngày 26/6 (Ảnh: NYT)
Sự lo lắng của Ấn Độ
Theo tờ New York Times, đằng sau sự đánh giá cao lẫn nhau giữa nguyên thủ Mỹ-Ấn còn ẩn chứa những động thái phức tạp hơn nhiều. Dù trong 20 năm qua, quan hệ song phương đã trở nên gần gũi hơn, nhưng sau khi ông Trump lên nắm quyền, Ấn Độ đang đối mặt với những bất ổn mới.
Chính quyền Trump ít thể hiện sự quan tâm đối với việc duy trì một mạng lưới đồng minh an ninh và thương mại ở châu Á hơn so với chính quyền tiền nhiệm của ông Barack Obama.
Giống như các nước khác trong khu vực, Ấn Độ cảm thấy lo lắng trước việc Trump kết giao với Tập Cận Bình. Giống như việc Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu ở Paris, những Chính sách thương mại và nhập cư của ông, đặc biệt đối với những hạn chế về visa mà chuyên gia trong ngành công nghệ đến từ Ấn Độ thường sử dụng, càng làm trầm trọng thêm sự lo lắng này.
"Ấn Độ muốn tiếp tục làm sâu sắc thêm tình hữu nghị, nhưng ông Trump có thể chỉ là một đối tượng gây lo ngại, mặc dù sau khi kết thúc bữa tối ông đã dùng những từ ngữ tốt đẹp ca ngợi trên Twitter," Ashutosh Varshney, giám đốc Trung tâm Nam Á Đương đại của Đại học Brown, Mỹ, nói.
Chế ngự Bắc Kinh trở thành mục tiêu chung
Hiện nay, cả Washington và New Delhi đều tìm thấy điểm chung trong việc chế ngự tham vọng trên biển của Bắc Kinh.
Trước khi Thủ tướng Modi công du Mỹ, chính quyền Trump đã phê chuẩn thỏa thuận bán cho phía Ấn Độ 22 máy bay trinh sát không người lái (UAV). New Delhi có thể sử dụng những máy bay này để theo dõi và phát hiện các động thái của hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Tổng thống Trump cũng nói về cuộc tập trận hải quân chung quy mô lớn Malabar 2017 sẽ được tổ chức ở Ấn Độ Dương với sự tham gia của các tàu chiến Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ.
Ấn Độ có sự ngờ vực ăn sâu bén rễ đối với Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình với sáng kiến "Vành đai và Con đường" cố gắng thông qua một số lượng lớn tiền đầu tư và tài trợ của Trung Quốc nhằm xây dựng các bến cảng, đường sá và đường sắt, với mục đích đưa Trung Quốc, Nam Á, Trung Á và châu Âu liên kết lại với nhau.
Ấn Độ nhận định dự án này chính là một mối đe dọa cho vị trí "thống lĩnh lịch sử" của mình tại khu vực Nam Á.
Trước việc Mỹ bán máy bay "người bảo vệ" (Guardian) cho Ấn Độ, trong nhiều năm New Delhi luôn tìm cách theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương. Hợp tác Mỹ-Ấn trên phương diện an ninh hàng hải trên cơ sở đó ngày càng trở nên sâu sắc.
Mặc dù Ấn Độ có thái độ cảnh giác với các liên Minh Quân sự, nhưng hai nước tiến hành tìm kiếm nhiều phương thức khác nhau nhằm thiết lập một mạng lưới cân bằng sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Ấn Độ lo ngại vì sự hiện diện ngày càng thường xuyên của các tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương (Ảnh minh họa: Indiatimes)
Các UAV này trước đây chưa bao giờ được Mỹ bán cho các nước không thuộc các quốc gia nằm trong khối NATO. Nếu nó có thể bay trên bầu trời quần đảo Andaman và Nicobar, giúp Ấn Độ nắm được con đường có vị trí hiểm yếu – đồng thời cũng là một trong những điểm yếu hàng hải lớn nhất mà phía Trung Quốc nắm quyền kiểm soát, điều này đặc biệt quý giá đối với New Delhi.
David Brewster, chuyên gia thuộc Học viện An ninh Quốc gia Đại học Quốc gia Australia cho biết, Australia có thể phối hợp với Ấn Độ. Năm 2013 Canberra bắt đầu mua từ Mỹ máy bay trinh sát Poseidon, cũng có thể hiện diện ở chuỗi đảo Andaman - Nicobar.
Các hãng tin Trung Quốc quan tâm chặt chẽ đối với các thông tin có liên quan đến việc Mỹ bán máy bay do thám cho Ấn Độ. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tuyên bố rằng "Hải quân Ấn Độ muốn thông qua UAV đưa toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương đặt dưới phạm vi giám sát của mình."