Hàng loạt quan chức quân đội Đài Loan đã bị Trung Quốc mua chuộc làm gián điệp.
Thiếu tướng Lo Hsien-che, một tùy viên quân sự Đài Loan bị bắt và bị kết án chung thân vào năm 2012 do bán bí mật quân sự cho Trung Quốc
Trong một bài báo đăng trên tờ Defense News, tác giả Wendell Minnick viết để ăn cắp thông tin tình báo quan trọng liên quan đến hệ thống vũ khí mới của Lực lượng vũ trang Đài Loan, Trung Quốc đã chiêu mộ một số cựu quan chức thông qua các doanh nhân Đài Loan đang làm việc tại đại lục làm gián điệp.
Minnick đã liệt kê các cán bộ bán thông tin về máy bay cảnh báo sớm từ không khí E-2K Hawkeye, hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC-2 và Patriot Advanced Capability-3, hệ thống tên lửa phòng không Hawk và camera bức xạ hồng ngoại Raytheon Palm IR-500 cho Trung Quốc trong những năm gần đây.
Peter Mattis, một nhà nghiên cứu đến từ Quỹ Jamestown cho rằng trái với quan điểm phổ biến, Trung Quốc đã thuê các chuyên gia và không phải “các nguồn tin nghiệp dư, ai muốn tham gia cũng được” để ăn cắp thông tin từ Đài Loan.
Các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Đài Loan cho rằng Trung Quốc đã tập hợp được tất cả các dữ liệu cần thiết để làm ảnh hưởng tới chương trình nâng cấp Po Sheng C4I, chương trình nâng cấp mạng lưới phòng không Anyu-4, dự án công nghệ chiến tranh điện tử Shuan-ji và vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không Wan Chien bằng cách tuyển dụng các quan chức quân đội đã về hưu. Mattis cũng nói rằng phần lớn các trường hợp gián điệp tại Đài Loan từ năm 2004 đến 2011 là do đồng tiền chi phối chứ không phải do ý thức hệ.
Mattis dẫn ra ví dụ vụ Phó Đô đốc Ko Cheng-sheng, người đã được một doanh nhân Đài Loan chiêu mộ và giới thiệu cho các thành viên của Ban Công tác Mặt trận cũng như “Văn phòng số 7 thành phố Thượng Hải” – nổi tiếng là mặt trận tình báo của PLA. Ông Ko đã làm gián điệp cho Trung Quốc từ năm 1998-2007 sau đó bị bắt và bị buộc tội cung cấp cho PLA thông tin về Kế hoạch Chiến đấu Guan của quân đội ROC để phòng vệ cho Đài Loan và Bành Hồ.
Minnick dẫn lời Matthis khi nói rằng: “Ngoài Bộ An ninh Quốc gia và Bộ thứ hai của Quân giải phóng nhân dân PLA, Bộ Tổng tham mưu, Đài Loan đang làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc để tìm ra Tổng cục chính trị PLA, Ban Công tác mặt trận và bất kỳ cơ sở an ninh cấp nhà nước nào đang cạnh tranh để tuyển dụng người của họ”. Các cán bộ đang làm nhiệm vụ cũng có thể bị các cơ quan tình báo Trung Quốc ở nước ngoài tuyển dụng.
Thiếu tướng Lo Hsien-che, một tùy viên quân sự Đài Loan được chuyển cho Thái Lan từ năm 2002-2005 là một trong số những quan chức được tuyển dụng ở nước ngoài. Sau đó, ông đã cung cấp những thông tin nhạy cảm về người đứng đầu bộ phận thông tin điện tử và viễn thông của quân đội Đài Loan. Ông này còn cung cấp cho Trung Quốc thông tin về mật mã, khả năng tình báo tín hiệu, chia sẻ tình báo của Đài Loan với Mỹ. Lo bị bắt và bị kết án chung thân vào năm 2012.
Các sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu cũng phải chịu trách nhiệm cho việc những sĩ quan đang làm việc cho quân đội Đài Loan bị tuyển dụng. Họ nhận được tất cả chi phí cho các chuyến đi sang Trung Quốc từ Ban Công tác mặt trận, một chuyên gia an ninh Đài Loan cho biết.
Bảo Linh/Người đưa tin (tin tức Wantchinatimes)