Nếu Trung Quốc có thể định nghĩa lại về tự do hàng hải và hàng không tại khu vực thì điều này tương đương với một "Học thuyết Monroe" tại châu Á.
Trước hết, chúng ta cần biết "Học thuyết Monroe" là gì?
Học thuyết Monroe là một Chính sách của Hoa kỳ được trình bày vào ngày 2, tháng 12 năm 1823 bởi tổng thống Mỹ James Monroe trước quốc hội. Theo đó những nỗ lực trong tương lai của các nước Âu châu để lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở Bắc hay Nam Mỹ sẽ bị xem là những hành động xâm lược, và như vậy đòi hỏi sự can thiệp của nước Hoa kỳ. Học thuyết này cũng chú giải là Hoa kỳ không những sẽ không can thiệp vào những thuộc địa hiện thời của các nước Âu châu mà cũng sẽ không xía vào nội bộ các nước Âu châu. Học thuyết này được đưa ra vào lúc hầu hết các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại châu Mỹ Latin đã giành được độc lập ngoại trừ Cuba và Puerto Rico. Hoa kỳ, với sự đồng ý của Vương quốc Anh, muốn bảo đảm là sẽ không có cường quốc Âu châu nào can thiệp vào các vấn đề Mỹ châu. Dự định và tác động của học thuyết này kéo dài hơn 100 năm với vài sự thay đổi nhỏ. Mục đích nguyên thủy của nó là để cho các quốc gia châu Mỹ Latin mới dành đuợc độc lập không bị can thiệp bởi các nước Âu châu, tránh tình trạng Mỹ châu trở thành chiến trường của các cường quốc Âu châu. (Nguồn: Wikipedia) |
Hành động “quấy nhiễu” máy bay trinh sát P-8 Mỹ tại Biển Đông trong thời gian gần đây của một chiến đấu cơ Trung Quốc không những phô diễn sức mạnh quân sự ngày một tăng của Bắc Kinh mà còn nhắm tới 2 nguyên tắc bất khả xâm phạm nhất của trật tự toàn cầu: tự do hàng hải và hàng không.
Theo Lầu Năm Góc, chiến đấu cơ Trung Quốc đã cuộn tròn quanh P-8, bay sạt qua mũi P-8 một góc 90 độ và để lộ vũ khí đồng thời bay cách đầu cánh máy bay Mỹ chỉ hơn 6m. Điều này cực kỳ nguy hiểm.
Sự việc tương tự cũng từng xảy ra vào năm 2001. Khi ấy, trong “Sự cố EP-3”, một chiếc EP-3 của hải quân Mỹ đã bị một chiến đấu cơ của Trung Quốc, xuất phát từ đảo Hải Nam cách đó khoảng 70 dặm tấn công và bị rơi từ độ cao hơn 4.000 m trước khi phi công, trung úy Shane Osborn quay đưa nó quay đầu.
Sau khi hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam, máy bay đã bị tước toàn bộ dữ liệu nhạy cảm, 24 thành viên phi hành đoàn bị bắt giữ và chỉ được thả ra sau khi Nhà Trắng đưa ra lời xin lỗi nhục nhã.
Tại sao đảo Hải Nam lại là “mẫu số” chung của cả 2 sự kiện này? Tại đây có căn cứ hải quân Yulin đang hoạt động bí mật và có các tàu ngâm tên lửa đạn đạo lớp Jin, có khả năng cung cấp vũ khí hạt nhân đe dọa đến lãnh thổ Mỹ. Chính vì thế mà quân đội Mỹ luôn muốn giám sát chặt chẽ đảo Hải Nam.
Về phần mình, Trung Quốc không muốn bị Mỹ do thám. Trên thực tế, cả 2 vụ EP-3 và P-8 chỉ là 2 trong chuỗi sự việc liên quan đến vấn đề tự do hàng hải và hàng không. Rất nhiều sự việc khác đã xảy ra như vụ quấy rối tàu viễn thám USNS Impeccable vòa năm 2009, việc Trung Quốc đơn phương thành lập Vùng nhận dạng phòng không ADIZ vào năm 2013 tại khu vực quần đảo Senkaku của Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, vụ va chạm với tàu tuần dương USS Cowpens tên lửa dẫn đường cũng trong năm 2013 cùng nhiều vụ việc khác tương tự như vụ P-8 gần đây.
Sự việc này không đơn giản là 2 cường quốc quân sự chạy đua trong cuộc chiến pháp lý, Trung Quốc đang chiến đấu để xác định lại tự do hàng hải và hàng không. Câu chuyện lớn hơn bắt đầu vào năm 1986 khi Công ước Biển của Liên hợp quốc được thông qua. Công ước này đã thiết lập “vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) trải rộng 200 dặm từ bờ biển của một nước và cho phép các nước được đánh bắt cũng như khai thác tài nguyên trong vùng EEZ của mình.
Kể từ khi Hiệp ước này được thông qua, Trung Quốc có một vị trí mới. Bắc Kinh bị hạn chế cả về tự do hàng hải lẫn hàng không trong vùng EEZ của mình. Bất kỳ máy bay quân hay tàu thuyền quân sự nào muốn đi qua vùng EEZ của quốc gia nào cũng đều phải được sự cho phép của nước sở tại và đây chính là cơ sở pháp lý để biện minh cho sự sách nhiễu của máy bay cũng như tàu thuyền quân sự nước ngoài tại khu vực.
Rõ ràng, hiệp ước này không có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, định nghĩa mới của Trung Quốc về tự do hàng hải và hàng không nếu được chấp nhận tại Biển Đông và biển Hoa Đông thì nguyên tắc xét lại này sẽ tương đương với một “Học thuyết Monroe” của Trung Quốc tại Châu Á. Nó sẽ cung cấp cho Trung Quốc quyền kiểm soát 2 trong số những tuyến đường biển quan trọng và hấp dẫn nhất trong giao lưu tại khu vực này – nơi hơn 60% hoạt động tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ xảy ra.
Với những lợi ích trên, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tạo ra thách thức để đạt được tự do hàng hải và hàng không theo ý mình. Vậy Mỹ sẽ phản ứng lại như thế nào. Dưới đây là 5 bước đầu tiên mà Nhà Trắng sẽ làm nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi ý đồ trên:
Thứ nhất, Nhà Trắng sẽ phải nừng tin rằng sự hội nhập kinh tế cuối cùng sẽ biến Trung Quốc trở thành một nền dân chủ yêu chuộng hòa bình và bắt đầu đối xử với Bắc Kinh như một mối họa.
Thứ hai, Lầu Năm Góc nên trang bị cho tất cả máy bay quân sự Mỹ trong khu vực máy quay camera để ghi lại những hành vi hung hăng của Trung Quốc để Bắc Kinh không thể chối cãi.
Thứ ba, các công ty của Mỹ nên trở về nước nếu không vì lòng yêu nước thì cũng vì các nhà máy của họ tại Trung Quốc sẽ làm tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa 2 nước.
Thứ tư, các phương tiện truyền thông nên đưa tin về những vụ việc như P-8 một cách rộng rãi hơn.
Cuối cùng, người tiêu dùng phải nhận ra rằng bất cứ khi nào họ mua đồ “made in China” là họ đã giúp Trung Quốc tích lũy tài chính để phục vụ cho quân đội – đội quân đe dọa đến lợi ích an ninh và kinh tế của Mỹ.
Bảo Linh/Người đưa tin (Theo tin tức nationalinterest)