Ngày 4/5, Trung Quốc đã điều 2 tàu tuần tra tải trọng 1.000 tấn tới khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tiến hành hoạt động tuần tra trái phép.
Tàu Hải giám 2169 được điều tới Hoàng Sa để thực hiện hoạt động tuần tra trái phép |
Theo tin tức từ tờ China News, 2 tàu hải giám 2168 và 2169 này thuộc biên chế của tỉnh Hải Nam, xuất phát từ Hải Khẩu tới khu vực Hoàng Sa của Việt Nam để tuần tra trái phép. Hoạt động này sẽ diễn ra từ ngày 4-11/5.
Ngoài ra, tàu Trung Quốc còn tuần tra tại “quần đảo Trung Sa” – thực chất là rạn san hô Macclesfield nằm ở đông nam quần đảo Hoàng Sa. Rạn san hô này không phải là quần đảo đúng nghĩa theo Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).
Tham gia hoạt động tuần tra trái phép lần này có cơ quan giám sát hải dương và ngư nghiệp, Trung tâm nghiên cứu dự báo khí tượng biển, Viện nghiên cứu địa chất biển của tỉnh Hải Nam.
Trong chuyến đi này, ngoài hoạt động tuần tra, Trung Quốc còn tiến hành các hoạt động bất hợp pháp khác như đánh giá môi trường sinh thái, khí hậu biển, khảo sát rạn san hô, tìm kiếm tài nguyên biển tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Vào ngày 21/4, Trung Quốc cũng đã tiến hành cuộc tuần tra kéo dài 11 ngày quanh khu vực đảo Phú Lâm, đảo Trăng Khuyết và một số đảo tại quàn đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 28/4, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan bán ngầm nước sâu từ Yên Đài tới hoạt động tại Biển Đông.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tuc tiến hành các hoạt động xây đắp, khảo sát, thăm dò trái phép tại Biển Đông. Những hoạt động này đã thể hiện rõ ý đồ muốn độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Bảo Linh (Tổng hợp)