Sáng kiến "Vành đai-con đường" của Trung Quốc đang đứng trước một đại khủng hoảng khi các nước vùng Vịnh đang tiến hành cô lập Qatar.
Mới đây, ba nước thành viên của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh GCC, bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), cùng Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với cáo buộc nước này "gây bất ổn cho khu vực" và "tài trợ khủng bố".
Theo ông Hussein Hariedy-cựu trợ lý Ngoại trưởng Ai Cập, động thái này diễn ra sau khi nỗ lực hòa giải tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo thất bại hồi tháng trước.
Tân Hoa xã đưa tin, ông Hariedy cho biết, quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao sẽ cô lập Qatar tại GCC cũng như Liên đoàn Ả Rập, và điều này chắc chắn sẽ làm Qatar thiệt hại rất lớn.
Theo giới chuyên gia, vì nhập khẩu phần lớn lương thực từ Saudi Arabia, nên việc cắt đứt quan hệ ngoại giao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả việc kinh doanh.
Sáng kiến "Vành đai-Con đường" được ông Tập Cận Bình triển khai từ năm 2012. |
Đáp trả lại quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao, Ngoại trưởng Qatar nhấn mạnh, những biện pháp cô lập hoàn toàn không ảnh hưởng đến đời sống của công dân Qatar. Ông khẳng định chính phủ nước này sẽ tiến hành mọi giải pháp cần thiết để "ngăn chặn ý đồ gây tổn hại đến xã hội và nền kinh tế" Qatar.
Tuy nhiên, khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh có thể sẽ là cơn ác mộng của Trung Quốc khi hầu hết các quốc gia trong vụ khủng hoảng đều có liên quan đến sáng kiến "vành đai và con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sáng kiến đầy tham vọng Vành đai và con đường được ông Tập khởi xướng từ năm 2013. Sáng kiến này được vẽ ra đi qua 65 quốc gia và trải dài trên ba lục địa là châu Á-châu Âu-châu Phi.
Đây cũng là khu vực cung cấp dầu khí hàng đầu của Trung Quốc. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng SCMP dẫn lời của ông Pang Zhongyin-nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học hải dương Trung Quốc, Trung Quốc khó có thể kiểm soát mối quan hệ trong khu vực sau khủng hoảng ngoại giao lần này.
Theo ông Pang, "Trung Quốc đạt được những lợi ích kinh tế khổng lồ tại khu vực Trung Đông". Saudi Arabia là đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Kinh tại khu vực Trung Đông. Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu từ Saudi sang Trung Quốc đạt 5,61 tỷ USD, nhập khẩu đạt 24 tỷ USD. Sang tới năm 2016, quy mô thương mại hai chiều lên đến 42 tỷ USD. Trung Quốc cũng là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Riyadh.
Tuy nhiên, đối với phần lớn quốc gia có liên quan đến cuộc khủng hoảng này, Bắc Kinh là nguồn nhập khẩu quan trọng hơn là một đối tác xuất khẩu.
Khủng hoảng ngoại giao Trung Đông có thể trở thành cơn ác mộng đối với "Con đường tơ lụa" của ông Tập:
Khu vực Trung Đông được đánh giá là vùng trọng yếu trong Con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc vì có vị trí chiến lược là nằm giữa châu Á và châu Âu. Đây cũng là nơi có được nguồn năng lượng phong phú, dồi dào với những dự án béo bở về xây dựng cơ sở hạ tầng rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc.
Tháng 5/2015, Ngân hàng Công thương Trung Quốc ICBC đã trở thành ngân hàng đầu tiên của Trung Quốc đặt trụ sở tại Saudi Arabia. Trước đó một tháng, Trung Quốc đã thành lập trung tâm thanh toán bù trừ đồng nhân dân tệ ở Qatar.
Năm 2014, Trung Quốc và Riyadh đã ký bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, với giá trị lên đến 65 tỷ USD. Trung Quốc còn ký một thỏa thuận hợp tác với Saudi để sản xuất máy bay không người lái CH-4.
Vào năm ngoái, công ty Cosco Shipping Ports của Trung Quốc cũng mạnh tay chi 400 triệu USD xây dựng cảng container ở Abu Dhabi, thủ đô UAE.
Theo SCMP, các quốc gia Ả Rập tỏ ra rất có hứng thú với kế hoạch này của Trung Quốc. Bộ trưởng năng lượng Saudi cũng lên tiếng khen ngợi về sáng kiến này và cho rằng, nó có tiềm năng rất lớn và đầy hứa hẹn.
Thống đốc Trung tâm tài chính quốc tế Dubai cho biết UAE cũng rất quan tâm đến những lợi ích mà sáng kiến này có thể mang lại.
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn đứng ngoài các vấn đề chính trị tại khu vực Trung Đông, luôn đứng ở phía trung lập và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các đối tác.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, Chính sách này đang dần thay đổi bởi các liên hệ trong khu vực được tăng cường.
Hồi tháng 4/2015, một tàu tuần dương của Trung Quốc đã tham gia sơ tán 225 người nước ngoài khỏi Yemen. Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc can thiệp sự vụ ở "vùng nguy hiểm" thuộc Trung Đông. Năm ngoái, Trung Quốc cũng lần đầu bổ nhiệm đặc phái viên phụ trách tình hình tại Syria.
Đây lầ động thái được đánh giá cao của Trung Quốc trong việc hiện diện nhiều hơn trong môi trường ngoại giao Trung Đông.
Trong báo cáo chính sách về Ả Rập đầu tiên được Trung Quốc công bố đầu năm 2016, dù vẫn còn mơ hồ, Bắc Kinh đã nhấn mạnh cam kết với hòa bình và ổn định khu vực.
Nghiêm Thu (SCMP)