Không giống như các cường quốc khác, cho đến nay, Trung Quốc vẫn lẩn tránh cuộc nội chiến Syria và những tổn thất khi tham gia vào cuộc xung đột chết chóc này. Sự né tránh của Bắc Kinh đã khiến một số nước tức giận. Các nước này kết tội Trung Quốc đang hưởng lợi và cố tình phớt lờ một thảm họa nhân đạo.
Cuộc nội chiến Syria là một cơn ác mộng về nhân đạo và an ninh, đã liên tục lôi kéo nhiều nước trong và ngoài khu vực vướng vào. Với nhiều nước như Mỹ, Nga và các cường quốc ở châu Âu, cuộc khủng hoảng tại khu vực Cận Đông đã dẫn tới các chiến dịch quân sự với nỗ lực muốn đạt được sự ổn định về mặt chính trị hoặc chiến lược. Trung Quốc, không giống như các cường quốc khác, cho đến nay vẫn lẩn tránh cuộc nội chiến Syria và những tổn thất khi tham gia vào cuộc xung đột chết chóc này. Sự né tránh của Bắc Kinh đã khiến một số nước tức giận. Các nước này kết tội Trung Quốc đang hưởng lợi và cố tình phớt lờ một thảm họa nhân đạo. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẵn sàng hứng chịu sự chỉ trích miễn là điều này không cản trở các mục tiêu của họ trong khu vực. Trong một tình huống rất phức tạp, nơi mà các nước liên tục điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi thì Trung Quốc là nước duy nhất có thể tránh dính líu đến sự bất ổn tại khu vực Cận Đông. Gần đây, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới bắt đầu định vị mình như một nhân tố chính tại khu vực Trung Đông va Bắc Phi (MENA).
Những năm thành công kinh tế đã khiến Trung Đông quá quan trọng, không thể bỏ qua và dầu, khí đốt tại MENA rất cần thiết để duy trì sản xuất và xây dựng đang tri phối kinh tế Trung Quốc. Trung Đông là một trong số ít nơi mà hàng hóa Trung Quốc còn chưa thống trị thị trường. Ngay cả trong bối cảnh suy thoái kinh tế, dầu sẽ vẫn tiếp tục chảy về phía đông và hàng hóa sẽ tiếp tục được chuyển tới phía tây. Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" - sáng kiến về thương mại và cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc với nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Âu, ưu tiên khu vực MENA là quan trọng với tương lai của Trung Quốc.
Cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm đã khiến Syria tàn tạ. Ảnh: Christiaan Triebert / Shutterstock.com |
Trung Quốc có thể thấy cơ hội kinh tế ở MENA nhưng cũng sợ hãi về tình hình chính trị tại khu vực này. Bắc Kinh quan sát các sự kiện Mùa xuân Ả Rập với sự lo lắng, đặc biệt là sự ổn định tại khu vực này đã bị xói mòn nhanh chóng sau các phong trào cách mạng. Lãnh đạo Trung Quốc không quan tâm đầu tư mạnh vào một nước duy nhất để sự đầu tư bị xung đột đe dọa. Trung Quốc cần khu vực MENA nhưng lại sợ việc hướng tới khu vực này có thể bị đổi chiều. Do đó, Bắc Kinh tập trung vào những nước được xem là ổn định nhất và sẽ trở lại bất cứ khi nào các lực lượng có thể chống đỡ được tình hình.
Từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, Bắc Kinh đã lập luận rằng sự ổn định là cần thiết và đàm phán chính trị giữa các bên cạnh tranh được ưu tiên. Cho đến khi có một môi trường thích hợp để đàm phán thì Trung Quốc vẫn coi chính quyền Assad là hợp pháp tại Syria.
Trung Quốc không đóng góp nhiều theo các hình thức: cứu trợ nhân đạo trực tiếp, hỗ trợ hoạt động quân sự giống như các cường quốc trong và ngoài khu vực đang thực hiện để chống lại IS. Những gì Bắc Kinh đã làm đó là tăng cường tiếp cận ngoại giao giữa các bên tham chiến ở Syria tăng cường ngoại giao kinh tế với cá nước trong khu vực. Lợi ích quốc gia của Trung Quốc không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những sự kiện ở Syria. Bắc Kinh sẵn sàng đặt cược rằng bất cứ sự thất vọng nào của các nước trong khu vực đối với chính sách của Trung Quốc về cơ bản cũng không đe dọa tới mối quan hệ các bên. Cho đến nay, Bắc Kinh đã chứng minh làm vậy là đúng. Chính sách của Trung Quốc thường bị chỉ trích nhưng họ không thường xuyên tăng số quân như Nga hy cố tăng cường chiến đấu chống IS như Mỹ và các đồng minh. Thay vào đó, họ đang đào sâu quan hệ kinh tế với Saudi Arabia, Ai Cập và Iran cùng một số nước khác.
Trong khi Bắc Kinh phản đối và phủ quyết các nghị quyết của Liên hợp quốc đối với cuộc chiến Syria (động thái này được hiểu là ủng hộ ông Assad) thì lãnh đạo Trung Quốc lại không muốn bị xem là người bảo vệ mọi lúc cho ông Assad. Đó là một nhiệm vụ khó khăn cho Bắc Kinh khi mà họ đã có quãng thời gian dài cung cấp vũ khí cho chế độ Assad và cư dân mạng Trung Quốc đang lên tiếng ủng hộ ông Assad. Kinh nghiệm của Trung Quốc đối với khu vực này chủ yếu có được trong thời gian gần đây nhưng cần hiểu rằng những bên liên quan tới tranh chấp chính trị tại Trung Đông chắc hẳn sẽ phải trả cái giá không đoán trước được. Đây là bài học mà Bắc Kinh đã nhận được từ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 và những hành động quân sự quốc tế sau đó tại khu vực, như chiến dịch Libya để hỗ trợ cho cuộc cách mạng đánh đuổi chế độ Qaddafi. Tất cả chỉ củng cố quan điểm trên. Việc Trung Quốc không hành động tại Syria cho phép họ tránh xung đột nhưng cũng sẽ củng cố nhận thức là Trung Quốc ủng hộ chế độ Assad và đặt ra câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng để đối phó với những vấn đề ngoài lĩnh vực kinh tế.
Cách tiếp cận khu vực MENA của Trugn Quốc được gọi là cách để "hưởng sái" những điều khoản an ninh mà các nước khác tạo ra. Trong khi Bắc Kinh bác bỏ quan điểm này thì họ không thể phủ nhận được mục tiêu của mình tại khu vực MENA đang được tạo điều kiện từ các điều khoản an ninh do Mỹ và các cường quốc phương Tây khác tạo ra. Trung Quốc đã tránh được việc tham gia vào cuộc xung đột Syria nhưng danh tiếng của họ trong khu vực thì lãnh đủ hậu quả. Khi dấn chân sâu vào khu vực MENA, Bắc Kinh sẽ đối mặt với kỳ vọng lớn hơn, đó là họ sẽ trở thành nhân tố chính trong các vấn đề của khu vực này. Trung Quốc vẫn thích tránh né các rắc rối nhưng điều này sẽ ngày càng khó khăn hơn.
* Đây là ý kiến của ông Jeffrey Payne, Giám đốc Học vụ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông Nam Á tại Washington DC.
Bảo Linh (theo The Diplomat)