Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã bị áp đặt lệnh kiểm duyệt khi đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) tổ chức ở Singapore hồi tuần trước mà cụ thể, các báo đài tiếng Hoa không được bình luận về căng thẳng Biển Đông.
Theo tin tức trên tờ South China Morning Post của Hong Kong, tại Đối thoại Shangri-la 2015 diễn ra từ ngày 29 đến 31/5 vừa qua, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng theo sát tình hình nhưng bị Bắc Kinh kiểm duyệt theo 2 cách thức khác nhau.
Báo đài sử dụng tiếng Hoa bị cấm đưa tin về các căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhằm tránh kích động chủ nghĩa dân tộc. Trong khi đó, cũng các ấn phẩm này sử dụng ngôn ngữ tiếng nước ngoài lại được phép trình bày và thảo luận về nhiều vấn đề mang tính “nhạy cảm”.
“Lệnh kiểm duyệt có thể do cấp trên ban hành, không phải do bộ phận biên tập của chúng tôi”, một phóng viên Trung Quốc nói với tờ SCMP.
Trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc bản tiếng Hoa bị kiểm duyệt chặt chẽ, các ấn phẩm dùng tiếng nước ngoài của họ được miễn kiểm duyệt từ cơ quan chính phủ. Phóng viên và người dẫn chương trình của kênh truyền hình trung ương Trung Quốc được phép nói chuyện với các đại biểu nước ngoài và các chuyên gia về vấn đề căng thẳng Biển Đông.
|
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2015. |
Ông Qiao Mu, chủ nhiệm khoa của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Ngoại ngữ Bắc Kinh, Qiao Mu lý giải: “Trong nhiều năm, các nhà báo làm việc cho phương tiện truyền thông nhà nước sử dụng tiếng nước ngoài được hưởng nhiều đặc quyền hơn so với các đồng nghiệp dùng tiếng Hoa, bởi do đối tượng độc giả khác nhau”.
“Lãnh đạo bộ phận tuyên truyền tin rằng người dân Trung Quốc xem các kênh truyền hình Trung Quốc, đọc báo Chí Trung Quốc dễ dàng bị kích động chủ nghĩa dân tộc hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy phiên bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn cầu khác nhiều so với phiên bản Trung Quốc”.
Hoàng Tinh, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại đại học Quốc gia Singapore bình luận, Bắc Kinh đã cẩn thận và khéo léo hơn trong việc đối phó với các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt liên quan đến quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Nhật có thể dễ dàng thổi bùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Căng thẳng trên Biển Đông và quan hệ Trung - Mỹ những tuần gần đây thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế khi đài CNN phát sóng phóng sự máy bay giám sát P-8 Hải quân Hoa Kỳ tuần tra không phận quốc tế gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Trong ngày khai mạc Đối thoại Shangri-la, Mỹ tiếp tục tố cáo Trung Quốc đặt pháo phòng không di động (bất hợp pháp) trên 1 đảo nhân tạo.
Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ cải tạo các đảo trên Biển Đông nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý. |
Trong một diễn biến liên quan tờ Financial Review, hôm 4/6, Hoàn cầu Thời báo (bản tiếng Anh), một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài bình luận với giọng điệu đầy tính hiếu chiến.
Bình luận viên của Thời báo Hoàn cầu là Zeng Jinrun lớn tiếng đe dọa rằng, Australia sẽ phải trả giá đắt nếu dám về phe Mỹ trong cuộc xung đột tại Biển Đông, và nếu máy bay trinh sát của quân đội Australia dám "bén mảng" tới Biển Đông, quân đội Trung Quốc sẽ lập tức bắn hạ.
“Nếu một máy bay quân sự Australia đến biển Đông theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ có hành động quyết liệt và điều chiến đấu cơ đến xua đuổi. Nếu cách này vẫn không hiệu quả, chúng ta sẽ bắn hạ nó”, ông Zeng mạnh miệng.
Theo hãng tin ABC của Australia, lời bình luận trên thuộc dạng “diều hâu nhất” kể từ khi truyền thông Australia đưa tin rằng Canberra đang cân nhắc gửi máy bay đến tuần tra Biển Đông.
Yên Yên (South China Morning Post)