Việc Trung Quốc chính thức "vũ trang hoá" lực lượng Hải tuần đã khiến cho các nguy cơ đụng độ trên biển được nâng lên một mức nguy hiểm mới.
Ngày 2/7, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đưa tin, quyền chỉ đạo lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ được chuyển từ Cục Quản lý Hải dương sang Quân đội Trung Quốc từ ngày 1/7, qua đó các tàu của lực lượng này sẽ được trang bị pháo hạng nhẹ thay vì vòi rồng như trước.
Quyết định trên được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đưa ra. Theo đó, lực lượng tuần duyên Trung Quốc sẽ chịu sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương.
Điều này sẽ cho phép Hải cảnh có thể xuất hiện một cách đàng hoàng với tần suất nhiều hơn trong các cuộc tập trận và huấn luyện hàng ngày với Hải quân Trung Quốc.
Nó cũng mở đường cho việc trang bị pháo hạm cỡ nòng lớn cho các tàu của Hải cảnh và vũ khí tấn công cho các sĩ quan, chiến sĩ Hải cảnh.
Trước đó, lực lượng tuần duyên Trung Quốc là lực lượng được coi là "phi vũ trang" thuộc sự chỉ đạo của Cục Quản lý Hải dương Quốc gia.
Theo Song Zhongping, một chuyên gia quân sự có uy tín người Trung Quốc, lực lượng này sẽ có nhiệm vụ phòng chống các hoạt động tội phạm trên biển, tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp thiên tai hoặc có biến cố xảy ra và thực thi hành pháp đối với các hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường biển, đánh cá và ngăn chặn hành vi buôn lậu.
Điều đáng chú ý hơn cả, lực lượng tuần duyên Trung Quốc sẽ chính thức là một lực lượng vũ trang và các tàu của lực lượng này sẽ được trang bị các loại pháo hạng nhẹ thay vì vòi rồng phun nước như trước đây. Thêm vào đó, thủy thủ đoàn cũng sẽ được trang bị vũ khí.
Ông Song cho biết, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sẽ không phải là mối đe dọa đối với các nước lân cận, chừng nào các quốc gia này "không xâm phạm chủ quyền trên biển của Trung Quốc".
Tuy nhiên, cả thế giới đều hiểu cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc trên " hiện nay đường xác định bằng "đường lưỡi bò" phi pháp bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Việc Trung Quốc chính thức "vũ trang hoá" lực lượng Hải tuần chỉ khiến cho các nguy cơ đụng độ trên biển được nâng lên một mức nguy hiểm mới.
Việc đặt Hải cảnh dưới quyền Quân ủy Trung ương Trung Quốc, như vậy, là chỉ dấu cho thấy nó sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong các cuộc đối đầu ở những vùng biển tranh chấp trong tương lai.
Động thái này của Trung Quốc đã ngay lập tức làm dấy lên sự lo ngại ở nhiều nước Đông Á. Nhật Bản, quốc gia thường xuyên có các cuộc chạm trán với Hải cảnh Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku tỏ ra cảnh giác trước động thái từ Bắc Kinh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan, bao gồm cả Lực lượng tuần duyên Nhật Bản để tiến hành tất cả các việc có thể làm liên quan tới việc thu thập thông tin tình báo và giám sát", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định hồi tuần rồi.
Đức Hoà (tổng hợp)