Trung Quốc mới đây đã tiến hành thử nghiệm phiên bản mới của một tên lửa tầm xa mang 10 đầu đạn hạt nhân.
Theo Washington Free Beacon ngày 31/1, tên lửa DF-5C được Trung Quốc thử nghiệm đầu tháng 1 sử dụng 10 đầu đạn. Vụ thử nghiệm này thu hút sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tình báo Mỹ.
Đây được coi là sự thay đổi đáng kể sức mạnh hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung có dấu hiệu gia tăng căng thẳng.
Tên lửa DF-5 ra mắt (Nguồn: Free Beacon) |
Hai quan chức chuyên theo dõi thử nghiệm tên lửa tiết lộ, tên lửa DF-5 được phóng đi từ Taiyuan Space Launch ở miền trung Trung Quốc và bay đến sa mạc phía tây nước này. Hiện không có nhiều thông tin chi tiết xung quanh vụ thử tên lửa.
Cây bút Bill Gertl của tờ The Washington Free Beacon bình luận, vụ thử nghiệm tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân rất quan trọng, vì nó cho thấy lực lượng tên lửa chiến lược bí mật của Trung Quốc đang gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của họ.
Báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ trong tháng 1 cho hay, ước tính Bắc Kinh đang sở hữu khoảng 250 đầu đạn hạt nhân. Khi Trung Quốc nâng cấp từ tên lửa mang 1 đầu đạn hạt nhân, 3 đầu đạn hạt nhân lên tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân đồng nghĩa với việc số đầu đạn hạt nhân dự trữ lớn hơn so với ước tính 250.
Theo trang web trên, hiện lực lượng vũ khí hạt nhân Mỹ, kể cả trên đất liền hay trên biển, đều được bố trí để ngăn chặn các lực lượng hạt nhân ngày càng lớn của Nga và Trung Quốc.
Năm 2010 Mỹ và Nga ký với nhau Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược mới, thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược năm 1991. Theo hiệp ước này, Washington và Moscow cần hạ con số đầu đạn hạt nhân hiện có của mỗi bên xuống 1.550 đầu đạn.
Ngày 25/1, CCTV4 phát sóng hình ảnh một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 mang 10 đầu đạn hạt nhân. |
Nếu Trung Quốc tăng số đầu đạn hạt nhân trong kho lên 800 hoặc 1000 quả, có khả năng sẽ khiến Lầu Năm Góc tăng số đầu đạn hạt nhân của Mỹ.
Hồi tháng 9 năm ngoái, tân Chỉ huy của bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, Tướng John Hyton khẳng định trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng: “Tôi hoàn toàn có thể khẳng định, Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân của họ và đang phấn đấu cho một khả năng đánh trả an toàn. Mặc dù nước này luôn tuyên bố theo đuổi học thuyết Trung Quốc không sử dụng vũ khí hạt nhân, song Bắc Kinh tiếp tục nâng cấp công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa để mang nhiều đầu đạn hạt nhân và công nghệ phóng tốc độ cao”.
Tướng Hyton nói thêm, những bước tiến mới của Trung Quốc về hạt nhân gắn liền với sự thiếu minh bạch trong vấn đề này. Quy mô, kích cỡ lực lượng tên lửa hạt nhân có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược của khu vực, là nguyên nhân khiến khu vực tiếp tục phải cảnh giác, quan tâm.
Tuần trước, kênh truyền hình quốc gia CCTV4, Trung Quốc phát sóng về các mối đe dọa hạt nhân, trong đó xuất hiện bản đồ họa tên lửa đạn đạo DF-41 được triển khai ở miền bắc nước này, hình ảnh đồ họa cho thấy quỹ đạo tấn công của tên lửa DF-41 nhằm vào mục tiêu vào Washington. Tiếp đến, ngày 25/1, CCTV4 phát sóng hình ảnh một quả tên lửa liên lục địa DF-41 mang 10 đầu đạn hạt nhân.
Về phía Bắc Kinh, tờ Global Times cho hay, Trung Quốc cần xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình để chống lại Mỹ. Trong khi đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đang kêu gọi “cải tổ” kho vũ khí hạt nhân “lão hóa” của Mỹ.
Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, số lượng các đầu đạn hạt nhân lớn là bất thường với chương trình hạt nhân của Trung Quốc.
Rick Fisher, một nhà phân tích của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và quốc tế nhận định, Trung Quốc thử nghiệm tên lửa mang nhiều đầu đạn dường như nhắm mục đích gửi tín hiệu cho chính quyền Donald Trump vì phát biểu của ông về Đài Loan, quân sự hóa Biển Đông.
Chung quan điểm, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho hay: “Vụ thử nghiệm tên lửa DF-5C mang 10 đầu đạn hạt nhân mới nhất của Trung Quốc nhằm vào chính quyền Trump”.
Đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn tuyên bố trước truyền thông rằng: “Vũ khí hạt nhân nên được cấm hoàn toàn và tiêu hủy dần theo thời gian, để thế giới này không còn loại vũ khí hủy diệt ấy”. Song những thông tin gần đây lại cho thấy Trung Quốc đang đi ngược lại với tuyên bố đó.