Giới chuyên gia Nga nhận định lợi ích của Trung Quốc tại Syria về bản chất là kinh tế, việc nước này tham chiến là điều không thể.
Khả năng Trung Quốc tham gia các hoạt động quân sự chống IS tại Syria là rất thâp. Ảnh: Reuters |
Tờ Washington Times gần đây đưa tin Trung Quốc có thể cùng với Nga chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.
Theo tờ báo này, Bắc Kinh rất quan ngại về sự gia tăng số lượng của các chiến binh người Trung Quốc gia nhập IS. "Câu hỏi thực sự là - họ sẽ đứng về bên nào", một quan chức quốc phòng biết về các cuộc thảo luận nội bộ về vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến chống IS nói với tờ báo.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng việc Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến này là không thể. Họ lưu ý rằng Trung Quốc có lợi ích rất lớn tại Syria. Ở đó, Bắc Kinh đã đầu tư hàng chục triệu đô la. Ngoài ra, Trung Quốc rất quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ tốt với Iran, đối tác của Nga trong liên minh chống IS.
Nhưng, Trung Quốc cũng có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với một số nước khác trong khu vực này như Saudi Arabia, Qatar. Tất cả những điều này có thể khiến Trung Quốc bước đi một cách thận trọng.
Trung Quốc đang xem "2 hổ đánh nhau"
Theo ông Andrei Ostrovsky, một chuyên gia về Trung Quốc, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại Học viện Khoa học Nga cho rằng việc Trung Quốc tham chiến chống IS là điều không thể.
"Trung Quốc có lợi ích riêng của mình tại đó nhưng học thuyết quân sự chính của Trung Quốc là học thuyết phòng thủ tích cực - không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước ngoài", ông Ostrovsky nói trong bài trả lời phỏng vấn tờ Vzglyad.
"Chính sách quân sự của Trung Quốc cho phép tham gia vào các hành động quân sự khi lợi ích của Trung Quốc bên trong biên giới bị tổn hại nghiêm trọng. IS, như những gì chúng ta biết đến nay ở cách xa lãnh thổ Trung Quốc, vì thế họ không thể gửi quân tới và điều này phù hợp với học thuyết quốc phòng của họ", ông tiếp tục.
Sự tham chiến chống IS của Trung Quốc chỉ có thể là tuyên truyền, ông Ostrovsky nói thêm. Và điều này sẽ được giới hạn trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, họ đã mang ra nói tại Mỹ, được phóng đại quá nhiều, theo ông Ostrovsky.
"Nó đã được nhấn mạnh quá mức. Một vấn đề như vậy đang tồn tại và có một số người Duy Ngô Nhĩ đã đứng về phía IS. Nhưng cho đến nay, theo tôi biết cũng có số lượng công dân Nga như vậy đứng về phía IS".
Vị chuyên gia này cũng ví việc Trung Quốc đang làm giống như Tôn Ngộ Không đó là ngồi trên núi xem 2 hổ đánh nhau. "Và Trung Quốc sẽ không bao giờ tham chiến nếu nó không phải là thách thức trực tiếp".
Ông Alexei Maslov, một chuyên gia về Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu phương Đông tại trường Đại học Kinh tế Moscow cũng không mong đợi Trung Quốc tham chiến. Ông nhắc lại rằng trong lịch sử của mình, Trung Quốc chưa bao giờ tham gia các cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ.
Kinh tế đứng vị trí đầu tiên
Ông Maslov dự đoán rằng Trung Quốc cũng sẽ tìm cách để đạt được lợi ích kinh tế tối đa từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Ở đây, chúng ta phải nhớ rằng chỉ vài ngày trước năm mới, người Trung Quốc đã gặp gỡ đại diện của ông Bashar al-Assad và cung cấp cho họ một khoản đầu tư khổng lồ, gần 6 tỷ USD", ông Maslov nói.
"Sau khi IS bị Mỹ hoặc Nga tiêu diệt, Trung Quốc sẽ tới Syria trong vai trò một nhà đầu tư chính và cố tiếp quản dầu lửa và các nguồn lực khác của nước này. Về chính trị, Trung Quốc sẽ cố gắng phối hợp hành động với tất cả các bên, cả Mỹ lẫn Nga".
Bảo Linh (theo RBTH)