Sáng nay (giờ Việt Nam), Tổng thống Barack Obama sẽ có bài phát biểu hiếm hoi từ Phòng Bầu Dục để trấn an người dân Mỹ rằng chính quyền của ông sẽ bảo vệ họ khỏi mối đe dọa Nhà nước Hồi giáo IS.
Tổng thống Obama thề sẽ tiêu diệt IS và bất cứ nhóm khủng bố nào làm hại người dân Mỹ. Ảnh: Getty/CNN |
Nói về vụ tấn công tại San Bernardino, California, ông Obama khẳng định: "đây là một hành động khủng bố, được thiết kế để tàn sát những người dân vô tội".
Tổng thống Mỹ nói "mối đe dọa khủng bố là có thật nhưng chúng ta sẽ vượt qua nó". Ông cam kết sẽ "tiêu diệt IS và bất cứ tổ chức nào cố làm hại chúng ta".
Ông cũng cam kết sẽ xem xét lại chương trình miễn thị thực. Ông thúc giục Quốc hội Mỹ đánh giá lại luật sử dụng súng và nói rằng những người nằm trong danh sách cấm bay không nên được sở hữu súng.
Tổng thống Obama nói Mỹ không nên tham gia vào "một cuộc chiến lâu dài và tốn kém trên mặt đất". Ông lập luận IS "không phải đại diện cho người Hồi giáo".
Bài phát biểu được đưa ra trong bối cảnh mối quan ngại của công chúng về khủng bố ngày một gia tăng sau vụ xả súng tại San Bernardino, California. Trong vụ việc, một số người Hồi giáo đã sát hại 14 người và làm bị thương 21 người trước khi bị cảnh sát tiêu diệt.
Bài phát biểu này cũng diễn ra khi công chúng Mỹ ngày càng mất lòng tin đối với việc quản lý nỗ lực chống khủng bố của Mỹ. Đây từng là sức mạnh giúp ông tái đắc cử vào năm 2012. Khủng bố, an ninh quốc gia và vị trí của người Hồi giáo trong xã hội Mỹ đã trở thành vấn đề gây tranh cãi trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và chiếm ưu thế trong các cuộc đàm luận chính trị hơn bất cứ khi nào kể từ sau vụ tấn công 11/9/2001.
Theo một cuộc thăm dò của CNN/ORC đưa ra hôm chủ nhật (6/12), 60% người dân Mỹ không tán thành việc xử lý chủ nghĩa khủng bố của ông Obama - tăng lên 9 % kể từ tháng 5. Trong khi đó, 2/3 số người được hỏi nói rằng họ không ủng hộ việc xử lý IS của Tổng thống.
Cuộc thăm dò được tiến hành trước vụ tấn công tại San Bernardino cũng cho thấy sự thay đổi trong dư luận nước Mỹ đối vấn đề này. 53% số người lần đầu nói rằng Mỹ nên đưa bộ binh tới đánh IS. 68% nói rằng phản ứng của Mỹ đối với sự trỗi dậy của nhóm khủng bố này vẫn chưa đủ mạnh.
Những con số này phản ánh cuộc đấu tranh của ông Obama cho đến nay để thuyết phục các nhà phê bình rằng ông đã có một chiến lược khả thi nhằm tiêu diệt IS ngay tại đế chế caliphate của nó ở Iraq và Syria. Ông Obama cũng bị buộc tội coi thường các mối đe dọa từ IS vì lý do chính trị.
Sự kiện này càng trở nên hấp dẫn bởi quyết định sử dụng Phòng Bầu Dục để phát biểu trước người dân Mỹ. Đây lầ lần thứ 3 ông phát biểu tại nơi này, trước đó là vụ tràn dầu vịnh Mexico và chấm dứt hoạt động tham chiến ở Iraq vào năm 2010.
Bảo Linh (theo CNN)