Hiện, Đất rừng phương Nam bản điện ảnh của Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, có sự tham gia đầu tư sản xuất, diễn xuất của Trấn Thành đang đứng trong tâm bão tranh cãi.
Theo nhiều người, bộ phim Đất rừng phương Nam có nhiều tình tiết làm “sai lệch lịch sử”, tôn vinh vai trò của Thiên Địa hội trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vô tình làm lu mờ vai trò của lực lượng nòng cốt.
Điển hình như TS Văn học Hà Thanh Vân cũng cho rằng, Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng xa rời tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi, thậm chí đã phá vỡ nhiều hình tượng nhân vật quen thuộc, điển hình như bác Ba Phi.
Vốn là người trong nghề, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng có những quan điểm riêng của mình về bộ phim Đất rừng phương Nam bản điện ảnh. Ông cho hay: “Một bộ phim truyện luôn luôn được định nghĩa là hư cấu, tưởng tượng, dù được chuyển thể, phóng tác, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật. Do đó, để có những bộ phim hay, tác giả cần phải để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng và đi xa hết mức có thể, thậm chí thoát ly hoàn toàn khỏi thực tế mà bộ phim dựa vào.
Giống như các loại hình nghệ thuật khác, một bộ phim truyện làm ra để khán giả khám phá thế giới tưởng tượng của tác giả. Một bộ phim truyện hư cấu tuyệt đối không phải là “bằng chứng lịch sử” hay là “căn cứ thực tế” cho bất cứ một luận điểm nào, chủ thuyết nào”.
Theo đạo diễn của bộ phim Tro tàn rực rỡ, khán giả hoàn toàn có quyền đánh giá một bộ phim về tất cả những gì mà tác phẩm thể hiện. Đơn cử, phục trang không đúng thời kỳ lịch sử, đạo cụ không đúng, bối cảnh sai....“Nhưng, phán quyết cuối cùng của khán giả đưa ra một cách văn minh là, bộ phim này hay hoặc dở, tôi thích hay không thích, thế thôi. Nếu phán quyết của khán giả chuyển sang cái nhìn đúng – sai, ví dụ như làm hiểu sai vai trò của cách mạng hoặc làm sai lệch sự thật lịch sử hoặc góp phần làm tăng số lượng tội phạm... từ đó dẫn đến việc đòi cắt xén bộ phim, thậm chí là đòi cấm chiếu bộ phim thì thực sự những khán giả đó đang không công bằng với bộ phim”, vị đạo diễn nói thêm.
Bên cạnh đó, vị đạo diễn này cho rằng luôn đề cao trí tưởng tượng của người làm nghệ thuật. Khi trí tưởng tượng không được bay bổng nữa, khi đó nghệ thuật sẽ chết.
“Sự tranh cãi là cần thiết và tích cực nhưng xin đừng cực đoan. Nghệ sĩ yếu ớt và nhạy cảm, họ không muốn cãi và không thể cãi lại được với những "lý luận sắc bén, những lập luận chặt chẽ, những bằng chứng xác đáng không thể bác bỏ" của những khán giả cực đoan. Họ chỉ có thể ngừng tưởng tượng. Chắc không khán giả nào mong muốn người nghệ sĩ sẽ ngừng tưởng tượng, kể cả những khán giả cực đoan nhất. Vì như thế sẽ chẳng còn phim hay để xem nữa”, ông khẳng định.
Trước đó, liên quan đến những ồn ào về việc bị nói có những yếu tố sai lệch lịch sử, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, đại diện nhà sản xuất đề xuất phương án chỉnh sửa phim. Theo đó, phim sẽ bỏ tên Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn ra khỏi các lời thoại, thay bằng tên Chính Nghĩa hội và Nam Hòa đoàn.
Hiện, phía NSX chưa lên tiếng thêm về những ồn ào của bộ phim.