Mỗi ngày trên thế giới có hàng triệu ly cà phê được tiêu thụ. Tuy nhiên từng có thời các nhà cai trị ở Trung Đông xử tử hình những ai uống thứ chất lỏng màu nâu hiện đại này. Ít ai biết được rằng ly cà phê đã có một lịch sử "sóng gió" thế nào để được ưa chuộng và phổ biến như ngày nay.
Một quán cà phê thời Ottoman năm 1819
"Tuổi thơ dữ dội" của cà phê
Năm 1633, Ottoman Sultan Murad IV của Thổ Nhĩ Kì đã phản đối một thứ thức uống mà ông tin rằng nó làm dân chúng kích động. Ông cho rằng những đám đông bạo loạn là hậu quả của việc tiêu thụ thức uống này và ông tuyên bố những người sử dụng đáng bị xử tử. Theo một vài dẫn chứng thì Murad IV đã ngụy trang để vi hành trên các đường phố Istanbul và mang theo một thanh kiếm khổng lồ để xử tử bất cứ ai sử dụng thứ đồ uống bất hợp pháp này.
Vậy Murad IV đang phản đối cái gì? Đó chính là cà phê!
Mặc dù nghe có vẻ ngược đời, Murad IV không phải là người đầu tiên cũng không phải là người cuối cùng phản đối việc uống cà phê. Ông được cho là người tàn bạo nhất và thành công nhất trong những nỗ lực của mình. Giữa thế kỷ 16 và cuối thế kỷ 18, một loạt những người có chức sắc tôn giáo và các nhà lãnh đạo quyền lực đã ban hành ra nhiều luật lệ hà khắc để trấn áp việc uống cà phê.
Một vài trong số họ cho rằng những tác dụng thay đổi tâm trí khi sử dụng cà phê biến cà phê thành chất gây nghiện và vì thế nên cấm sử dụng. Ngoài ra, nhiều người trong đó có Murad IV, tin rằng các cửa hàng cà phê làm xói mòn các tiêu chuẩn xã hội, khuyến khích những suy nghĩ hoặc lời nói nguy hiểm, thậm chí trực tiếp gây ra những hiểm họa khôn lường. Trong thế giới hiện đại nơi Starbucks có mặt khắp mọi nơi, điều này nghe có vẻ vô lý. Nhưng Murad IV đã có lý do để lo ngại về việc sử dụng cà phê.
Ottoman Sultan Murad IV mang theo một thanh kiếm khổng lồ để tử hình bất cứ ai uống cà phê ở công cộng
Những cuộc đàn áp bắt đầu xảy ra vào thế kỷ 16 vì đó là thời điểm cà phê lan rộng ra thế giới. Hạt cà phê có thể được biết đến và được sử dụng trong nhiều thế kỷ trước tại Ethiopia. Nhưng bằng chứng lịch sử rõ ràng đầu tiên về việc nghiền hạt cà phê và pha chúng thành thức uống là từ thế kỉ 15. Thời đó, các giáo sĩ hồi giáo địa phương đã sử dụng cà phê trong các nghi lễ bí truyền. Có thể đây là một hành động xã hội để nuôi dưỡng tình huynh đệ hay thuyết giảng tôn giáo, nhưng người ta nhanh chóng nhận ra Công dụng của thứ đồ uống màu đen kì lạ đó. Thức uống này nhanh chóng lan rộng ra Biển Đỏ, du nhập đến Istanbul vào đầu những năm 1500 và đến lục địa Châu Âu trong các thế kỷ tiếp theo.
Chính vì thế, những người phản đối đã viện lý do tôn giáo để cấm cà phê. "Luôn luôn có một âm mưu đằng sau" - những người bảo thủ nghĩ rằng thứ đồ uống mới gây nguy hại đến niềm tin tôn giáo của họ. Ngạc nhiên thay, phong trào chống đối không chỉ xảy ra trong cộng đồng Hồi giáo. Sau này ở châu Âu, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng yêu cầu Đức Giáo Hoàng cấm cà phê. Lý lẽ của họ bao gồm cà phê làm người uống bị say và gây hại cho sức khỏe, ngoài ra hạt cà phê rang giống than! Các lãnh đạo tôn giáo còn kết luận rằng quán cà phê là nơi thu hút các hành vi như cờ bạc, mại dâm và sử dụng chất gây nghiện khác.
Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo phản đối cà phê vì lý do chính trị. Trước khi có quán cà phê, không có nhiều địa điểm trong thành phố để mọi người tụ tập và trao đổi về những vấn đề hàng ngày. Các nhà thờ cũng cung cấp một nơi để hội họp nhưng hiếm khi được ở lại lâu để tán gẫu.
Tranh nước mô tả một quán cà phê ở Istanbul, được vẽ bởi Amadeo Preziosi vào khoảng giữa năm 1850 và 1882
Thời gian đầu những quán cà phê trở nên phổ biến, đặc biệt là ở những nước Hồi giáo. Chúng rẻ và vì thế có thể tiếp cận được tới mọi người. Cách người phục vụ pha cà phê - từ từ ủ cà phê trong một nồi đặc biệt gần 20 phút làm cho khách hàng có nhiều thời gian trò chuyện tán gấu với nhau. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng như các vấn đề xã hội.
Điều này làm các nhà cầm quyền lo lắng. Họ không thích các cuộc tụ tập công khai ở quán cà phê, hoặc việc người nghèo đột nhiên có thể thưởng thức thứ thức uống vốn mặc định dành cho tầng lớp thượng lưu. Một học giả Ottoman thế kỷ 17, Kâtip Çelebi, cho rằng quán cà phê làm mọi người mất tập trung khi làm việc và dễ bị kích động.
Một người hầu phục vụ cà phê cho một nhóm người bán cà phê Yemen đã dựng trại ở sa mạc trên đường đến Mocha, vào khoảng năm 1850
Những vụ đàn áp đầu tiên
Vụ đàn áp đầu tiên xảy ra tại Mecca năm 1511, khi Kha‘ir Beg al-Mi‘mar, một quan chức nổi tiếng trong chế độ Ottoman, bắt giam những người đàn ông uống cà phê bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo vì nghĩ rằng họ trông đáng nghi. Ông ta đã bỏ tù những người này đồng thời cấm tiêu thụ cà phê bên trong nhà thờ. Những vụ đàn áp cà phê tương tự xảy ra ở Mecca, Cairo, Istanbul và các khu vực hồi giáo khác.
Những nỗ lực đàn áp ban đầu này được thúc đẩy bởi động cơ chính trị, tôn giáo, hoặc kết hợp cả hai, nhưng chúng khá rời rạc và ngắn ngủi. Ví dụ, cuộc đàn áp vào năm 1511 đã chấm dứt trong vài tuần, khi nhà vua cấm tụ tập trong nhà thờ nhưng vẫn cho phép mọi người sử dụng cà phê. Các cửa hàng cà phê phát triển nhanh chóng. Vào cuối thế kỷ 16, tòa án Ottoman đã có một máy pha cà phê. Hàng trăm quán cà phê rải rác khắp Istanbul, và chính phủ chính thức cho phép sử dụng cà phê và mở các quán cà phê trên toàn quốc.
Tuy nhiên, Murad IV có lý do đặc biệt để ghét cà phê. Trong thời thơ ấu của mình, anh trai Osman II của ông đã bị lật đổ và tàn sát tàn bạo bởi các janissaries - một nhóm quân sự đối lập. Sau đó, họ đưa Murad IV lên làm người cai trị mới. Ông đã sống trong sợ hãi và phải chứng kiến một vài cuộc nổi dậy trong triều đại của ông. Trong một cuộc nổi dậy, họ đã treo cổ một người bạn thân thiết của Murad IV ngay trước mặt ông.
Những bộ trang phục khác nhau của những nhóm quân sự thời Ottoman
Điều này khiến Murad IV thực sự tức giận. Murad IV biết rằng nhóm quân sự thường xuyên lui tới các quán cà phê — và sử dụng nơi đây để họp bàn về các cuộc đảo chính. Một số quán còn được dùng để ra dấu hiệu cho chúng. Nhà sử học Emingül Karababa cho rằng Murad IV nhận thức rõ về một phong trào chống lại ông và những quán cà phê thường là nơi diễn ra những cuộc họp bàn bí mật đó. Đây là lí do khiến ông ta ghét cay ghét đắng quán cà phê.
Murad IV cũng áp đặt án tử hình đối với người sử dụng thuốc lá, thuốc phiện nơi công cộng và các quán rượu khép kín. Ông sẵn sàng giết bất cứ ai có dấu hiệu chống đối lại ông. Sự tàn bạo của ông đã đi vào truyền thuyết. Rất nhiều người bị giết chỉ vì uống cà phê và "thì thầm" một điều gì đó.
Mocha, Yemen trong nửa sau của thế kỷ 17
Tuy vậy Murad IV không cấm bán buôn cà phê. Ông ta chỉ theo dõi các quán cà phê ở thủ đô, nơi cuộc nổi dậy của nhóm quân sự đối lập có thể đe dọa sự cai trị của ông ta. Murad IV vẫn uống cà phê và rượu.
Những người thừa kế của ông tiếp tục các Chính sách của ông. Vào giữa những năm 1650, hơn một thập kỷ sau cái chết của Murad IV, lần uống cà phê đầu tiên sẽ bị đánh đập, lần thứ hai thì bị bỏ vào túi và ném xuống biển Bosporus.
Tuy nhiên, ngay cả khi nhìn thấy khả năng phục hồi nhanh chóng của văn hóa cà phê và biết về sự thất bại của việc cấm cà phê ở châu Âu, các quốc gia Hồi Giáo vẫn ban hành và thiết lập các lệnh cấm mới nhằm vào thứ đồ uống này. Mục đích chính không phải là cấm uống cà phê nữa mà là kiểm soát đám đông uống cà phê. Với những luật lệ mới nhà cầm quyền có thể dễ dàng bắt và bỏ tù những người chống đối chỉ vì một lí do đơn giản là họ uống cà phê. Dân thường được làm ngơ khi lén lút tiêu thụ loại đồ uống đặc biệt này.
Quán cà phê vẫn phổ biến ở Đế quốc Ottoman
Văn hóa cà phê đã chiến thắng chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo và bây giờ chúng ta sống trong thế giới của Starbucks với những ly cà phê khổng lồ. Ly cà phê đã phải trải qua một lịch sử "đấu tranh" đầy gian khó để được phổ biến như ngày hôm nay.
Nguồn: atlasobscura
Thúy Hằng Spiderum
Theo Helino/Trí thức trẻ